Triều Tiên đưa các máy bay quân sự tới bờ biển phía Đông nước này và bắt đầu tăng cường phòng thủ, sau khi khẳng định Tổng thống Donald Trump đã tuyên chiến và Bình Nhưỡng sẽ bắn hạ máy bay ném bom của Mỹ tới khu vực.
Dùng tên lửa đất đối không?
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc hôm 26-9 cho biết động thái nói trên của Bình Nhưỡng được tiến hành sau khi các máy bay ném bom B-1B của Mỹ bay tới gần bán đảo Triều Tiên hồi cuối tuần qua. Phát biểu trước báo giới tại TP New York - Mỹ hôm 25-9, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho nhấn mạnh các bình luận của ông Donald Trump trên trang mạng xã hội Twitter - tuyên bố nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un "sẽ không trụ được lâu" - là một lời tuyên chiến và Bình Nhưỡng có quyền đáp trả, trong đó có quyền bắn hạ oanh tạc cơ chiến lược của Mỹ ngay cả khi chúng không nằm trong không phận nước này.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders phản pháo rằng Mỹ chưa tuyên chiến với Triều Tiên và gọi cáo buộc này là lố bịch. Theo lời bà, một quốc gia bắn hạ phi cơ của quốc gia khác khi nó bay trên vùng biển quốc tế là hành động không phù hợp.
Trên thực tế, một động thái "không phù hợp" như vậy đã từng xảy ra vào tháng 4-1969 khi chiến đấu cơ MiG-21 của không quân Triều Tiên đã bắn hạ máy bay trinh sát EC-121 của hải quân Mỹ ở biển Nhật Bản (Hàn Quốc gọi là biển Đông) ở khu vực cách bờ biển Triều Tiên khoảng 145 km, khiến toàn bộ 31 người Mỹ trên khoang thiệt mạng.
Tuy vậy, theo trang Bloomberg, sau gần nửa thế kỷ, tìm cách lặp lại điều này đã khó hơn rất nhiều. Giới chuyên gia cho rằng các chiến đấu cơ của Không quân Triều Tiên, bao gồm một phi đội gồm khoảng 1.300 chiếc chủ yếu là các mẫu từ thời Liên Xô, khó lòng là đối thủ của máy bay Mỹ.
Giới chức quân đội Triều Tiên thề sẽ phát động cuộc chiến tranh thiêng liêng chống Mỹ tại cuộc họp
ở Bình Nhưỡng Ảnh: KCNA/REUTERS
Chuyên gia về năng lực không quân Triều Tiên Park Dae-kwang thuộc Viện phân tích Quốc phòng Hàn Quốc, nhận định với sự thiếu hụt hệ thống tiếp nhiên liệu trên không, các chiến đấu cơ Triều Tiên không thể nói tới chuyện rượt đuổi để bắn hạ máy bay đối phương.
Chưa hết, theo Yonhap, người đứng đầu ủy ban tình báo của quốc hội Hàn Quốc Lee Cheol-woo hôm 26-9 chỉ ra rằng hệ thống radar của Triều Tiên thậm chí còn không phát hiện ra các máy bay ném bom của Mỹ, từ đó Lầu Năm Góc đã cố tình công khai đường bay của B-1B để phô diễn lực lượng.
Phương án còn lại là Triều Tiên có thể dùng tên lửa đất đối không. Tuy nhiên, ông Park Dae-kwang cho rằng trong khi vẫn chưa rõ các tên lửa của quốc gia bí ẩn nhất thế giới đã có thể bắn được máy bay ném bom Mỹ hay không, chúng cũng có thể sớm bị vô hiệu hóa bởi các tên lửa đánh chặn từ các chiến đấu cơ hộ tống.
Lựa chọn quân sự
Hôm 25-9, Lầu Năm Góc cho biết sẽ đề xuất các lựa chọn cho ông chủ Nhà Trắng để đối phó với Triều Tiên nếu nước này tiếp tục các hành động khiêu khích, trong khi Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng H R McMaster cảnh báo ông Kim Jong-un có thể chưa nhận ra mối nguy hiểm mà lãnh đạo này và đất nước của ông đang đối mặt.
Dù vậy, vị tướng ba sao từng chỉ trích Mỹ tham chiến tại Việt Nam này cũng thừa nhận sự nguy hiểm của leo thang quân sự trên bán đảo Triều Tiên. "Chúng tôi không nghĩ rằng có một giải pháp quân sự nào cho vấn đề này" - ông McMaster khẳng định.
Đánh bại Triều Tiên trong trường hợp nổ ra chiến tranh nằm trong tầm tay của Mỹ, nhưng cái giá phải trả là vô cùng nặng nề, hãng thông tấn AP (Mỹ) dẫn các phân tích của giới chuyên gia Mỹ cho biết hôm 26-9. Ông Rob Givens, chuẩn tướng Không quân Mỹ đã về hưu, tiết lộ Lầu Năm Góc ước tính có 20.000 người thiệt mạng ở Hàn Quốc mỗi ngày nếu chiến tranh xảy ra giữa Mỹ và Triều Tiên. Đó là trong trường hợp Bình Nhưỡng chưa sử dụng vũ khí hạt nhân.
Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Liu Jieyi hôm 25-9 nói với hãng tin Reuters việc leo thang những tranh cãi qua lại giữa Triều Tiên và Mỹ ngày càng quá nguy hiểm và chẳng ai được lợi lộc gì. Chia sẻ mối quan ngại này, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cảnh báo các cuộc khẩu chiến này làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm.
Bình luận (0)