Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 16-4 đã đến Hàn Quốc trong chuyến thăm kéo dài 3 ngày nhằm tái khẳng định mối quan hệ đồng minh vững mạnh giữa hai nước trước mối đe dọa tên lửa, hạt nhân từ CHDCND
Triều Tiên. Không bất ngờ?
Dự kiến trong ngày 17-4, ông Pence sẽ có cuộc gặp với quyền Tổng thống Hàn Quốc kiêm Thủ tướng Hwang Kyo-ahn và Chủ tịch Quốc hội Chung Sye-kyun. Các nhà quan sát cho rằng hai bên sẽ thảo luận về sự hợp tác song phương trong việc gây sức ép lên Triều Tiên hướng đến phi hạt nhân hóa bằng các biện pháp trừng phạt và ngoại giao. Hãng tin AP dẫn nguồn các quan chức Mỹ giấu tên cho biết chính sách của Washington sẽ tập trung vào việc “gây áp lực và can thiệp ở mức cao nhất” để thuyết phục Triều Tiên phi hạt nhân hóa.
Các vấn đề dự kiến được thảo luận khác là kế hoạch thiết lập hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên... Sau các cuộc hội đàm, ông Hwang và ông Pence sẽ đưa ra tuyên bố chung, trong đó nhiều khả năng cảnh báo về hành động khiêu khích của Triều Tiên và nhấn mạnh quan hệ liên minh bền vững giữa Mỹ - Hàn.
Vài giờ trước khi ông Pence đến Hàn Quốc, Triều Tiên đã tiến hành vụ phóng thử tên lửa nhưng thất bại từ địa điểm gần căn cứ tàu ngầm ở Sinpo trong động thái mới nhất nhằm thách thức sức ép của Mỹ. Theo hãng tin Reuters, một cố vấn chính sách đối ngoại của Nhà Trắng tháp tùng ông Pence đến Hàn Quốc cho rằng vụ phóng thử tên lửa này không bất ngờ và không cần thiết phải tiêu tốn nguồn lực để đối phó.
“Chúng tôi có thông tin tình báo chính xác trước và sau khi vụ thử diễn ra. Đó là một cuộc thử nghiệm thất bại và nó diễn ra sau một thử nghiệm thất bại khác” - vị cố vấn này khẳng định.
“Kết quả tốt nhất có thể”
Tổng thống Mỹ Donald Trump không có phản ứng công khai gì sau khi được báo cáo về vụ thử tên lửa của Triều Tiên. Chính phủ Trung Quốc cũng chưa bình luận gì về hành động khiêu khích mới nhất của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã trao đổi quan điểm về tình hình bán đảo Triều Tiên trong cuộc điện đàm ngày 16-4. Theo Tân Hoa Xã, ông Dương nhấn mạnh hai bên cần duy trì đối thoại về vấn đề này.
Trái lại, Hàn Quốc đã nhanh chóng lên án vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên và gọi các hoạt động của Bình Nhưỡng đang là mối đe dọa của cả thế giới. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cảnh báo Triều Tiên sẽ phải đối mặt những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nếu còn tiếp tục thử hạt nhân hoặc có những hành động khiêu khích khác. Theo hãng tin Yonhap, Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc đã nhóm họp vài giờ sau vụ thử.
Trong khi đó, Nhật Bản cũng phản đối mạnh mẽ vụ thử tên lửa - bị xem là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, Tokyo cho biết vụ thử không đe dọa đến an ninh nước này.
Theo giới chức Mỹ và Hàn Quốc, một tên lửa đạn đạo được phóng từ thành phố cảng Sinpo, tỉnh Nam Hamgyong lúc 6 giờ 20 phút ngày 16-4 (giờ địa phương) nhưng bị nổ vài giây sau khi rời bệ phóng. Hiện chưa rõ loại tên lửa được phóng. Tuy nhiên, giới chức Hàn Quốc cho rằng nó có thể là tên lửa đạn đạo KN-15 tầm trung, tương tự loại được Bình Nhưỡng phóng hôm 5-4. Một số chuyên gia nhìn nhận vụ phóng tên lửa bất thành có thể cho thấy Triều Tiên đang gặp khó trong việc phát triển động cơ nhiên liệu rắn cho tên lửa mới hoặc tên lửa Scud-ER. Một số khác thì cho rằng vụ phóng mới nhất có thể là một phần của chương trình phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Trong khi đó, ông Robert Kelly, một chuyên gia về an ninh Đông Bắc Á tại Trường ĐH Quốc gia Pusan (Hàn Quốc), nhận định vụ phóng tên lửa thất bại mới nhất của Triều Tiên là “kết quả tốt nhất có thể” trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại khu vực. Nhờ vậy, theo ông Kelly, chính quyền ông Trump không phải đối mặt câu hỏi phải đối phó thế nào nếu vụ phóng thử diễn ra thành công. Về phía Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể nói với người dân rằng ông đã ra lệnh tiến hành phóng thử tên lửa mà không cần phải thừa nhận nó thất bại.
Hàn Quốc tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa
Một quan chức quân sự Hàn Quốc giấu tên ngày 16-4 tiết lộ nước này đang ở “giai đoạn cuối” của chương trình phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa mới nhằm đối phó nguy cơ từ Triều Tiên. Hãng tin Yonhap dẫn lời quan chức này cho biết toàn bộ quá trình thử nghiệm và đánh giá tên lửa đất đối không tầm trung (M-SAM) đã được hoàn tất. Vào tháng tới, Seoul sẽ cho đánh giá sự phù hợp của nó đối với các sứ mệnh chiến đấu.
M-SAM là thành phần chủ chốt của Hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không Hàn Quốc (KAMD), được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tấn công ở độ cao khoảng 20 km. Seoul dự định triển khai M-SAM trong giai đoạn 2018-2019, sớm hơn 1 năm so với dự định ban đầu do mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên đang tăng. Một thành phần quan trọng khác của KAMD là tên lửa đất đối không tầm xa (L-SAM) có thể đánh chặn tên lửa thù địch ở độ cao 40-60 km.
Hàn Quốc cũng bày tỏ hy vọng việc triển khai Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại nước này sẽ củng cố thêm khả năng phòng thủ trước những hành động khiêu khích của nước láng giềng.
Phương Võ
Bình luận (0)