Chỉ một ngày trước đó, báo chí Hàn Quốc dẫn các phân tích ảnh vệ tinh của chính phủ, các nguồn tin ngoại giao, quân sự đưa tin rất rầm rộ rằng toàn bộ 3 tầng của tên lửa Unha-3 đã bị dỡ bỏ khỏi bệ phóng và đưa trở lại cơ sở lắp ráp gần đó để sửa chữa, khiến người ta khó có thể không tưởng rằng Triều Tiên sẽ còn hoãn phóng tên lửa dài dài.
Thậm chí, khi Triều Tiên đã tuyên bố phóng tên lửa thành công hôm 12-12, nhiều người dân Hàn Quốc tiếp nhận thông tin mà không khỏi ngỡ ngàng.
“Tôi không hiểu sao Cơ quan tình báo (Hàn Quốc) tốn không ít công sức thu thập thông tin, lại không dự đoán được đợt phóng (tên lửa của Triều Tiên)”, Yonhap dẫn lời ông Lee Tae-ho, Tổng thư ký tổ chức dân sự Đoàn kết nhân dân tham gia dân chủ Hàn Quốc chỉ trích.
Tuy nhiên, sự thất bại về thông tin tình báo trong vụ này không chỉ ở riêng Hàn Quốc. Thậm chí, vào đúng ngày Triều Tiên thông báo phóng thành công, trên tờ AP của Mỹ vẫn chạy dòng tít: “Không có dấu hiệu Triều Tiên sắp phóng tên lửa”.
Trên trang tin Washington Post còn đăng tải 3 hình ảnh vệ tinh để khẳng định rằng Triều Tiên vẫn đang được giám sát nghiêm ngặt. Trang mạng này dòn dẫn bài phân tích từ trang 38 North của Viện Mỹ-hàn tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp John Hopkins, nhận định rằng có vẻ Triều Tiên sẽ mất hơn 1 tuần giải quyết sai sót tên lửa, nghĩa là tên lửa chỉ được phóng sớm nhất vào ngày 21 hoặc 22-12.
Triều Tiên thông báo có trục trặc với tên lửa và hoãn phóng. Một động thái khá khác lạ đối với quốc gia vốn nổi tiếng khó đoán biết này. Tuy nhiên, các nhà phân tích có lý do khi nghĩ rằng Triều Tiên sẽ hoãn phóng tên lửa thật bởi lịch sử các đợt thử nghiệm trước đó đều cho thấy những sai sót. Rất may là tờ Washington Post của Mỹ cùng có chút gỡ gạc lại khi dẫn hàng loạt nguồn tin tình báo khẳng định Triều Tiên hoãn phóng tên lửa nhưng cuối cùng lại chốt bằng một câu: “Triều Tiên vốn rất kín tiếng về chương trình tên lửa và bởi không có các quan sát viên tại chỗ nên cũng không có gì chắc chắn về thông tin”.
Dù thế nào, chỉ vài giờ sau đó, Triều Tiên cũng phóng tên lửa, các vệ tinh giám sát, các nhà phân tích, quân đội Nhật, Hàn, Mỹ đều chỉ biết “há hốc mồm” trong khi Bình Nhưỡng đợi kết quả và sau đó là họ “lên án kịch liệt”.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án
Hôm 12-12, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) đã họp khẩn cấp và ra tuyên bố lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
Chủ tịch HĐBA LHQ Mohammed Loulichk cho rằng vụ phóng này vi phạm rõ ràng các nghị quyết số 1718 và 1874. Cũng trong cuộc họp, phía Mỹ khẳng định Bình Nhưỡng sẽ đối mặt với những “hậu quả” sau vụ phóng tên lửa và gọi đây là “hành động cực kỳ khiêu khích và đe dọa an ninh khu vực”. Trong khi đó các nhà ngoại giao phương Tây bày tỏ quan điểm muốn theo sau tuyên bố lên án của LHQ là một nghị quyết mới. |
Bình luận (0)