Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho rằng: "Những bình luận sớm từ phái đoàn Triều Tiên không phản ánh nội dung hoặc tinh thần của cuộc thảo luận kéo dài 8 tiếng rưỡi trong ngày hôm nay. Trong quá trình thảo luận, phái đoàn Mỹ đã xem xét các sự kiện kể từ hội nghị thượng đỉnh ở Singapore và thảo luận về tầm quan trọng của cuộc gặp chuyên sâu hơn để giải quyết nhiều vấn đề quan tâm của cả hai bên".
Tổng thống Trump và lãnh đạo Kim tại khu phi quân sự liên Triều (DMZ) hôm 30-6. Ảnh: Reuters
Theo nữ phát ngôn này, Mỹ đã đưa ra những ý tưởng sáng tạo và sẽ tiếp tục theo đuổi ngoại giao với Triều Tiên về chương trình hạt nhân. Bà Ortagus cho hay Thụy Điển đã mời hai bên quay trở lại tiến hành cuộc thảo luận khác trong hai tuần và Mỹ đã chấp nhận.
Hiện vẫn chưa rõ liệu Triều Tiên có chấp nhận lời đề nghị nói trên hay không.
Trước đó, sau cuộc gặp Đại diện đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun tại thủ đô Stockholm - Thụy Điển, trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Kim Myong-gil tuyên bố cuộc đàm phán với Mỹ đã đổ vỡ và cáo buộc Washington đã khiến cuộc đàm phán "kết thúc trong vô nghĩa".
Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Kim Myong-gil. Ảnh: Reuters
Cuộc đàm phán ở Thụy Điển là nỗ lực chính thức đầu tiên của Mỹ và Triều Tiên nhằm nối lại các cuộc đối thoại kể từ khi Hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội kết thúc hồi tháng 2 mà không đạt được thỏa thuận.
Theo ông Evans Revere, cựu quyền Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương tại Bộ Ngoại giao Mỹ, việc không đạt được thỏa thuận hôm 5-10- và các tuyên bố mâu thuẫn sau đó là không đáng ngạc nhiên.
Ông Revere nhận định: "Điều quan trọng cần biết là chúng ta sẽ không thấy nhiều tiến triển trong các cuộc đàm phán này, chúng kéo dài rất lâu vì mục tiêu của Bình Nhưỡng là lôi kéo Tổng thống Donald Trump vào một hội nghị thượng đỉnh khác mà ở đó Triều Tiên tin chắc cuộc đàm phán sẽ diễn ra theo cách họ muốn. Triều Tiên hiểu rằng con đường dẫn đến một hội nghị thượng đỉnh khác nhất thiết phải đi qua các vòng đàm phán cấp độ làm việc nên các cuộc đàm phán này diễn ra".
Cựu quan chức này nói: "Vì vậy tôi không giải thích những gì đã xảy ra hôm nay là sự sụp đổ của các cuộc đàm phán ở cấp độ làm việc mà là một động thái của Triều Tiên cho phép chúng kéo dài hơn một chút với hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục dịu giọng về quan điểm của họ, từ đó chuẩn bị cho một "chiến thắng" dự kiến ở hội nghị thượng đỉnh tiếp theo".
Bình luận (0)