Việc hành hình ông Jang, người từng nắm quyền lực đứng thứ 2 tại Triều Tiên, đánh dấu biến động chính trị lớn nhất kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền. Vụ hành quyết cũng dấy lên lo ngại về quan hệ kinh tế giữa Triều Tiên và Trung Quốc khi ông Jang là người giám sát các dự án kinh doanh quan trọng với Bắc Kinh.
Vụ thanh trừng ông Jang Song-thaek đe dọa ảnh hưởng quan hệ Trung - Triều. Ảnh: Reuters
Ông Da Zhigang, giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á thuộc Học viện Khoa học Xã hội tại tỉnh Hắc Long Giang - Trung Quốc, cho rằng sự sụp đổ của Jang Song-thaek phản ảnh sự bất đồng trong nội bộ đảng Lao động, chính phủ và quân đội Triều Tiên về chính sách ngoại giao, đồng thời cho thấy Bình Nhưỡng mong muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và tìm cách thoát khỏi bế tắc với Mỹ.
Ông Da cũng cảnh báo Triều Tiên sẽ trở nên khó lường hơn sau vụ thanh trừng. “Chắc chắn sự sụp đổ chính quyền của ông Jang, một người ôn hòa trong chính sách đối ngoại và là người phản đối các vụ phóng tên lửa cũng như thử hạt nhân, sẽ tạo thuận lợi cho sự trỗi dậy của các phe phái quân sự cứng rắn. Thêm vào đó, khả năng diễn ra một vụ thử hạt nhân thứ tư là rất cao và việc phát triển năng lượng hạt nhân sẽ được ưu tiên hơn so với tăng trưởng kinh tế” – ông Da nói thêm.
Trước đó, theo kết quả khảo sát từ các chuyên gia quốc phòng Mỹ, Trung Quốc là mối đe dọa hàng đầu ở châu Á đối với Washington và Triều Tiên xếp vị trí thứ hai.
Khảo sát trên được thực hiện vào tháng 11 năm ngoái với sự tham gia của 352 chuyên gia quân sự trong ngành công nghiệp quốc phòng, Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và giới truyền thông. Khoảng 47,6% người được hỏi trả lời Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với các đồng minh của Mỹ ở châu Á, theo sau là Triều Tiên với 28,77% người đồng tình.
Tiếp đến là chiến tranh mạng với 12,33% người cho rằng có ảnh hưởng đến Mỹ, chủ nghĩa khủng bố với 7,88% và biến đổi khí hậu chỉ 3,08%.
Bình luận (0)