Theo giới chức quốc phòng Nhật Bản, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Makoto Oniki cho biết trong cuộc họp báo ngày 24-3: "Những phân tích hiện tại của chúng tôi cho thấy tên lửa đạn đạo bay 71 phút vào khoảng 15 giờ 44 phút đã rơi vào khu vực bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản ở biển Nhật Bản, ở vị trí cách bán đảo Oshima của Hokkaido khoảng 150 km về phía Đông. Do tên lửa đạn đạo lần này bay ở độ cao hơn 6.000 km, cao hơn nhiều so với ICBM Hwasong-15 được phóng vào tháng 11-2017, đây được cho là ICBM mới".
Về phía Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in xác nhận Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), đánh dấu lần đầu tiên Bình Nhưỡng phóng thử nghiệm loại vũ khí mạnh như vậy kể từ năm 2017. Năm 2017, tên lửa Hwasong-15 được phóng từ một địa điểm nằm về phía Bắc thủ đô Bình Nhưỡng, đi xa 950 km và lên tới độ cao 4.475 km trước khi rơi xuống biển.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lên án mạnh mẽ vụ thử tên lửa ngày 24-3, nói rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã phá bỏ lệnh cấm phóng ICBM.
Theo Yonhap, nếu được xác nhận, vụ phóng vừa diễn ra sẽ là vụ thử thứ 11 của Bình Nhưỡng kể từ đầu năm nay. Đây là tần suất thử nghiệm vũ khí chưa từng có, khiến Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản liên tục phản đối.
Bản tin của Hàn Quốc về một vụ thử tên lửa của Triều Tiên tại một nhà ga ở Seoul ngày 27-2. Ảnh: Yonhap
Bộ Quốc phòng Mỹ hồi đầu tháng nhận định các vụ phóng gần đây nhất của Bình Nhưỡng (ngày 26-2 và ngày 4-3) có khả năng nhằm thử nghiệm ICBM mới. Khi đó, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thông báo Mỹ đang tăng cường "thu thập thông tin tình báo, chuẩn bị sẵn sàng và giám sát" liên quan đến Triều Tiên sau loạt vụ phóng tên lửa gần đây.
Đây là tín hiệu từ chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho thấy Washington cần củng cố thế trận quân sự để đảm bảo Mỹ và các đồng minh trong khu vực như Hàn Quốc và Nhật Bản được bảo vệ trước các vụ thử tên lửa của Triều Tiên.
Các chuyên gia cho rằng sự gia tăng bất thường của Triều Tiên trong hoạt động thử nghiệm vũ khí đang nhấn mạnh mục tiêu kép của nước này là cải tiến vũ khí và gây áp lực lên Washington, trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân đang đóng băng. Triều Tiên ký kết lệnh cấm thử nghiệm tên lửa xuyên lục địa và vũ khí hạt nhân kể từ cuộc đàm phán giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump vào năm 2018.
Bình luận (0)