Hãng tin KCNA dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết vụ thử tên lửa hành trình tầm trung và kế hoạch triển khai tiêm kích tàng hình F-35 cùng thiết bị quân sự xung quanh bán đảo Triều Tiên của Mỹ là những động thái "nguy hiểm", "khiêu khích nghiêm trọng", có thể kích động một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Cũng theo quan chức này, Bình Nhưỡng vẫn không thay đổi quan điểm trong việc giải quyết tất cả vấn đề thông qua đối thoại và đàm phán nhưng không được đi kèm mối đe doạ về quân sự.
Trước đó, Lầu Năm Góc hôm 19-8 xác nhận họ đã thử một tên lửa hành trình phóng từ mặt đất, lần đầu tiên kể từ khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Vụ thử nghiệm diễn ra tại đảo San Nicolas, bang California – Mỹ hôm 18-8 (giờ địa phương). Tên lửa đã bắn trúng mục tiêu sau khi bay được quãng đường 500 km.
Đài RT đưa tin hình ảnh và video về vụ thử nghiệm cho thấy đó là tên lửa Tomahawk. Một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc tiết lộ họ sử dụng bệ phóng MK-41 nhưng hệ thống được thử nghiệm không giống hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis đang hoạt động ở Romania và hiện được lắp đặt ở Ba Lan.
Vụ thử nghiệm diễn ra tại đảo San Nicolas, bang California – Mỹ hôm 18-8 (giờ địa phương). Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ
Cách đây ít ngày, Triều Tiên cũng thử hàng loạt tên lửa – được cho là tên lửa đạn đạo tầm ngắn – nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Bình Nhưỡng "chỉ thử tên lửa thông thường" và xem nhẹ các vụ thử nghiệm này.
Các cuộc đàm phán cấp độ công việc giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn chưa được nối lại kể từ khi bị đình trệ sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai, tổ chức ở Hà Nội – Việt Nam vào tháng 2 năm nay. Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gặp nhau tại biên giới liên Triều vào tháng 6 và đồng ý nối lại các cuộc đàm phán.
Hôm 20-8, Đặc phái viên Mỹ Stephen Biegun đã có mặt tại Hàn Quốc để thảo luận về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Ông Biegun trước đó dừng chân tại Nhật Bản, nơi Tokyo cảnh báo Bình Nhưỡng có khả năng thu nhỏ được đầu đạn hạt nhân. Đầu năm nay, một báo cáo của Tổ chức Rand (bang California – Mỹ), tiết lộ Triều Tiên dự kiến sở hữu tới 100 đầu đạn hạt nhân vào năm 2020. Tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Triều Tiên được cho là có thể tấn công Hàn Quốc và Nhật Bản, bao gồm các tài sản quân sự của Mỹ ở các quốc gia đó.
Bình luận (0)