Tin tức trên được đưa ra 1 ngày sau khi giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano khẳng định có những dấu hiệu cho thấy hoạt động tái chế plutonium ở lò phản ứng Yongbyon của Triều Tiên trong cuộc họp báo tại thủ đô Vienna – Áo ngày 6-6.
Hồi tuần trước, trang tin 38 North lẫn Viện Khoa học và An ninh Quốc tế đưa tin họ phát hiện luồng khí thải 2 lần trong tháng 5 tại Yongbyon dựa theo các hình ảnh vệ tinh.
Động thái mới nhất này cho thấy chính phủ Triều Tiên đang tiến hành đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định để chế tạo đầu đạn hạt nhân, bất chấp lệnh trừng phạt hà khắc từ cộng đồng quốc tế.
Ông Kim Jong-un quan sát một đầu đạn hạt nhân. Ảnh: KCNA
Quan chức Mỹ nói trên - đề nghị giấu tên – nói Washington đang lo ngại về nỗ lực tái sản xuất plutonium nhưng không đề cập đến bất kỳ phản ứng nào từ phía Mỹ. “Tất cả mọi thứ ở Triều Tiên là nguyên nhân gây quan ngại” – người này trả lời hãng tin Reuters.
“Họ lấy nhiên liệu đã qua sử dụng tại lò phản ứng 5 megawatt ở Yongbyon, để chúng nguội bớt rồi đưa đến cơ sở tái chế. Đây là cách họ thu thập plutonium cho các đợt thử nghiệm hạt nhân trước đây. Triều Tiên đang lặp lại quá trình này” – quan chức trên tiết lộ.
Tuy nhiên, người này cũng không đề cập đến việc Triều Tiên có thể sản xuất bao nhiêu plutonium bằng phương pháp trên.
Vào năm 2013, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ tái khởi động tất cả cơ sở hạt nhân, bao gồm lò phản ứng chính và phụ tại Yongbyon, vốn bị đóng cửa vào năm 2007 do thỏa thuận viện trợ quốc tế.
IAEA, vốn giám sát hoạt động của Triều Tiên bằng vệ tinh, tuyên bố họ phát hiện các dấu hiệu tái hoạt động tại cơ sở Yongbyon vào năm 2015.
Mặc dù trong quá khứ Triều Tiên thường nhập các nguyên liệu chính cho chương trình hạt nhân từ các nước khác nhưng lại không có dấu hiệu của vụ mua bán nào liên quan đến quá trình tái chế plutonium dạo gần đây, nguồn tin chính phủ Mỹ nói thêm.
Có rất ít thông tin xác thực về số lượng uranium hay plutonium cấp độ vũ khí mà Triều Tiên sở hữu hoặc có khả năng sản xuất nhưng nhiều người tin rằng nước này dùng plutonium tái chế để phát triển bom hạt nhân.
Các chuyên gia tại Viện Mỹ - Hàn Quốc thuộc Trường ĐH Nghiên cứu Quốc tế Nâng cao Johns Hopkins tại Washington từng dự báo trong năm 2015 rằng kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có thể tăng lên 20, 50 hoặc 100 quả bom trong vòng 5 năm, từ khoảng 10-16 quả tại thời điểm trên.
Bình luận (0)