Đài CNN hôm 13-4 dẫn lời 2 quan chức Mỹ cho biết trong trường hợp Bình Nhưỡng phóng tên lửa, kịch bản khả dĩ nhất là loại tên lửa Musudan sẽ được sử dụng. Mỹ tin rằng tên lửa này có khả năng vươn tới đảo Guam hoặc đảo Sheymya thuộc quần đảo Aleut, phía Tây Nam bang Alaska - Mỹ.
Cũng có khả năng Triều Tiên phóng Kn-08 hoặc Kn-14, 2 tên lửa đạn đạo di động có tầm bắn xa hơn và có thể vươn tới các khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương của Mỹ. Kn-14 là phiên bản chính xác hơn của Kn-08, được cho là xuất hiện lần đầu trong một lễ duyệt binh hồi năm 2015.
Nếu một vụ bắn tên lửa như trên xảy ra, đây sẽ là lần đầu tiên Triều Tiên bắn tên lửa đạn đạo tầm xa từ bệ phóng di động và cũng là lần đầu 1 trong 3 loại tên lửa nêu trên được bắn. Động thái này sẽ nối tiếp một loạt vụ thử và những hoạt động khác mà Triều Tiên tích cực đưa tin trong hơn 1 tháng qua nhằm “khoe” nỗ lực phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mang đầu đạn hạt nhân.
Nhiều nhà phân tích nói với Reuters rằng thông qua những tiết lộ chi tiết đầu tiên về chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, Bình Nhưỡng muốn cho thế giới và người dân mình thấy năng lực hạt nhân của nước này. “Những tấm hình chụp cận cảnh hoạt động thử nghiệm dưới lòng đất của Triều Tiên gần như là điều chưa có tiền lệ. Sự cởi mở này cho thấy chiến lược sâu xa mang cả ý nghĩa ngoại giao và quân sự. Đối với Triều Tiên, điều quan trọng không chỉ là sở hữu năng lực hạt nhân mà còn muốn chúng ta tin vào điều này” - ông John Schilling, một kỹ sư hàng không vũ trụ, nhận định với Reuters.
Hình ảnh chụp một vụ phóng rốc-két được hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên công bố hôm 22-3 Ảnh: Reuters
Tuyên truyền cũng có thể là mục đích khác của bước đi nói trên. Ông Yang Moo-jin, chuyên gia tại Trường ĐH Nghiên cứu Triều Tiên ở Hàn Quốc, cho rằng Bình Nhưỡng có ý xua tan những hoài nghi về năng lực tên lửa hạt nhân cũng như muốn các nước láng giềng và Mỹ lo lắng hơn để tăng giá trị tuyên truyền cho đại hội Đảng Lao động cầm quyền (dự kiến diễn ra vào tháng tới).
Ngoài ra, ông Michael Elleman, một chuyên gia về tên lửa của Mỹ, nhận định những thông tin được hé lộ nhằm chứng tỏ Triều Tiên không hề nao núng dù đối mặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn của Liên Hiệp Quốc vào tháng rồi và những cảnh báo cứng rắn từ nhiều nước khác, nhất là Mỹ. Tuy nhiên, vẫn có một số chuyên gia chưa mấy tin vào những tuyên bố mới nhất về năng lực quân sự của Bình Nhưỡng, một phần vì nước này khép kín với thế giới bên ngoài và thường có những lời lẽ “đao to búa lớn”, chỉnh sửa hình ảnh và video để phục vụ mục đích tuyên truyền.
Cũng liên quan đến tình hình bán đảo Triều Tiên, Bộ Thống nhất Hàn Quốc hôm 13-4 bác bỏ yêu cầu của Bình Nhưỡng đòi trao trả 13 công dân đào tẩu sang nước này. Trước đó một ngày, Bình Nhưỡng cáo buộc Seoul “bắt cóc” 13 người nói trên. Họ đang làm việc tại một nhà hàng của Triều Tiên ở Trung Quốc
Bình luận (0)