Trước một Triều Tiên được cho là có thể cân nhắc kỹ một loạt lời đe dọa có tính gây hấn kèm theo sự khiêu khích quân sự trong những ngày tới, Mỹ đã lên các kế hoạch an ninh mới với đồng minh Hàn Quốc và tăng sức ép đối với Trung Quốc để nước này hành động nhiều hơn nhằm kiềm chế Bình Nhưỡng.
Ảnh: REUTERS
Sự tính toán cách tiếp cận của chính quyền Obama đối với Triều Tiên bao gồm những nguyên tắc can dự nhằm đáp trả - mạnh mẽ hơn trong quá khứ - bất kỳ cuộc tấn công nào nhưng theo hướng không để dẫn đến một cuộc chiến tổng lực. Tuy vậy, vấn đề là liệu chính sách ngoại giao mở rộng mà các cố vấn của ông Obama gọi là “sự kiên nhẫn chiến lược” - vốn tìm kiếm sự cô lập Triều Tiên và không có món quà ngoại giao nào cho hành động khiêu khích - có thể vấp phải những thách thức của một trong những cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất trên bán đảo Triều Tiên từ khi kết thúc cuộc chiến Triều Tiên năm 1953.
Như các nhà hoạch định chính sách Mỹ dự đoán, Bình Nhưỡng sẽ bắn thử nghiệm một, thậm chí 2 tên lửa, khoảng ngày 15-4, ngày sinh nhật của lãnh tụ Kim Nhật Thành - ông nội quá cố của Kim Jong-un. “Một màn kết thúc hoành tráng với pháo hoa để chấm dứt trạng thái leo thang căng thẳng là điều hợp lý” - một quan chức cao cấp Mỹ giấu tên nói với Reuters.
Theo kế hoạch, các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc sẽ không hành động nếu tên lửa hướng về vùng biển mênh mông như họ mong đợi. Nhưng họ sẽ sẵn sàng bắn hạ nếu nó đe dọa Hàn Quốc, Nhật Bản và đảo Guam của Mỹ. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ không bác bỏ khả năng thay vì phóng tên lửa, Triều Tiên có thể tấn công vào một tàu Hàn Quốc hoặc đồn lính nào đó ở biên giới. Điều này sẽ dẫn đến sự “trả đũa tương xứng” của Hàn Quốc theo đúng kế hoạch đã thống nhất với Mỹ. Cho dù không để sự trả đũa vượt qua giới hạn, bán đảo Triều Tiên vẫn đứng trước nguy cơ về “một chiếc cò súng cực nhạy” từ 1 trong 2 phía mà không thể nói trước được.
Mặt khác, Mỹ cũng muốn Trung Quốc đi xa hơn hành động chỉ trích mà nước này đang thể hiện với Bình Nhưỡng, đồng thời thực hiện đầy đủ lệnh trừng phạt mới đây của Liên Hiệp Quốc mà chính Bắc Kinh đã dàn xếp với Washington. Chưa thể biết chắc Trung Quốc sẵn lòng gây sức ép lên Triều Tiên đến mức nào. Nhưng sự phô diễn lực lượng của Mỹ trên và gần bán đảo Triều Tiên là một thông điệp cho Trung Quốc: Sự thất bại của Bắc Kinh trong việc kiềm chế Bình Nhưỡng đồng nghĩa với sự hiện diện quân sự rộng lớn hơn của Mỹ trong khu vực, điều mà Bắc Kinh phản đối.
Ngay cả khi căng thẳng tăng lên và chính quyền Obama cố gắng điều chỉnh, không có dấu hiệu nào cho thấy Washington từ bỏ cách tiếp cận “kiên nhẫn chiến lược” và Triều Tiên khó mà có được chút lợi thế nào từ tình hình này.
Bình luận (0)