KCNA đã liệt kê các thành tựu quân sự của Triều Tiên, từ cuộc chiến chống Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và các cuộc giao tranh nhỏ hơn trong suốt Chiến tranh Lạnh, cho đến cuộc pháo kích cả mục tiêu dân sự và quân sự trên đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc năm 2010.
Hãng thông tấn khẳng định quân đội Triều Tiên được trang bị khả năng tấn công và phòng thủ có thể "đối phó với bất kỳ cuộc chiến tranh hiện đại nào".
KCNA cũng ca ngợi "tư tưởng quân sự thiên tài, tài chỉ huy quân sự xuất chúng, lòng dũng cảm và gan dạ vô song" cùng sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un đã giúp Triều Tiên giành được "sức mạnh bất khả chiến bại".
Người dân ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc xem bản tin về vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Triều Tiên ngày 24-3. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters, Triều Tiên đang chuẩn bị cho sự kiện kỷ niệm 90 năm ngày thành lập quân đội (ngày 25-4). Nhân dịp này, giới quan sát quốc tế dự đoán Triều Tiên có thể sẽ tổ chức diễu binh quy mô lớn hoặc tiến hành các cuộc thử nghiệm vũ khí.
Trang mạng 38 North chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên cho biết một cuộc duyệt binh có thể diễn ra vào ngày 25-4. Trước đó, các nhà phân tích cũng dự đoán một cuộc duyệt binh vào ngày 15-4, kỷ niệm 110 năm ngày sinh của cố chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il-sung).
Triều Tiên tuyên bố là cường quốc “bất khả chiến bại”
Tạp chí Nikkei Asia lưu ý thông tin trên đưa ra vào thời điển quân đội Mỹ và Hàn Quốc tiến hành cuộc tập trận chung mùa Xuân thường niên, kéo dài từ ngày 18-4 đến ngày 28-4.
Trong nhiều tuần qua, các hình ảnh vệ tinh thương mại cho thấy hàng ngàn binh lính Triều Tiên đang luyện tập diễu binh tại một bãi tập ở thủ đô Bình Nhưỡng.
Triều Tiên đã tiến hành một vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17 vào tháng 3. Thế nhưng, Hàn Quốc và Mỹ kết luận vụ phóng tên lửa này được Bình Nhưỡng ngụy tạo, thực ra đến từ cuộc thử nghiệm ICBM Hwasong-15 mà Triều Tiên thực hiện năm 2017.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát vụ phóng tên lửa Hwasong-17 ngày 24-3. Ảnh: KCNA
Theo truyền thông Triều Tiên, tên lửa được phóng là mẫu Hwasong-17, ICBM cực lớn lần đầu ra mắt hồi tháng 10-2020. Phương Tây gọi đây là "tên lửa quái vật" vì nó có kích thước khổng lồ và mang nhiều đầu đạn hạt nhân. Đây được cho là mẫu tên lửa uy lực nhất trong kho vũ khí chiến lược của Triều Tiên.
Hôm 24-3, truyền thông nhà nước Triều Tiên đăng tải những bức ảnh và video ấn tượng cho thấy ông Kim Jong-un đích thân giám sát vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới. Ngày 17-4, KCNA thông báo ông Kim Jong-un tiếp tục thị sát vụ bắn thử một loại vũ khí dẫn đường chiến thuật mới nhằm tăng cường khả năng hạt nhân của Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un trước đây tuyên bố sẽ tiếp tục tăng cường "khả năng răn đe chiến tranh hạt nhân" của đất nước mình và chuẩn bị cho "cuộc đối đầu lâu dài" với Mỹ, theo báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên. Việc Bình Nhưỡng liên tục thực hiện các vụ thử tên lửa khiến căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang, các nỗ lực đàm phán phi hạt nhân hóa đình trệ.
Bình luận (0)