Vì thế, Washington cam kết tiếp tục hợp tác với các nước trong khu vực để bảo đảm “dòng thương mại chảy tự do” ở biển Đông.
Tuyên bố trên được đưa ra không lâu sau khi Bắc Kinh công bố Sách trắng về chiến lược quân sự, trong đó nhấn mạnh việc triển khai hải quân hoạt động xa bờ. Theo giới phân tích phương Tây, đây là nội dung gây nhiều lo ngại nhất của Sách trắng. Báo The Washington Post dẫn lời chuyên gia Patrick Cronin của Trung tâm An ninh Mỹ đánh giá văn kiện trên là “kế hoạch nhằm dần đạt được bá quyền ở khu vực” của Trung Quốc.
Trong khi đó, GS Bernard Cole thuộc Trường Cao đẳng Chiến tranh quốc gia Mỹ nhận định với báo The New York Times rằng nội dung Sách trắng cho thấy khả năng từ bỏ tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc ở biển Đông là rất thấp.
Riêng ông Hugh White, giáo sư tại Trường ĐH Quốc gia Úc, cho rằng việc công bố văn kiện này sẽ làm leo thang cuộc đối đầu chiến lược Mỹ - Trung. “Nguy cơ xảy ra xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ là rất thật và có thể dễ dàng biến thành chiến tranh” - ông White cảnh báo.
Giới chức Mỹ chưa đưa ra phản ứng cụ thể nào đối với Sách trắng của Trung Quốc. Thay vào đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke chỉ cho biết Washington vẫn tiếp tục giám sát những động thái quân sự của Bắc Kinh, đồng thời thúc giục nước này minh bạch hơn về những ý định của mình.
Căng thẳng biển Đông chắc chắn sẽ bao phủ cuộc hội đàm giữa Tổng thống Philippines Benigno Aquino và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Tokyo trong tuần tới. Theo Reuters, 2 nhà lãnh đạo sẽ nhất trí tăng cường quan hệ an ninh trong bối cảnh cả Tokyo và Manila đều đối mặt tham vọng hải quân của Bắc Kinh.
Ngoài ra, hai bên dự kiến nhất trí khởi động đàm phán về một khuôn khổ cho việc chuyển giao thiết bị, công nghệ quốc phòng và vấn đề lực lượng Nhật đến Philippines để hỗ trợ huấn luyện, tham gia tập trận. Một quan chức hải quân Philippines tiết lộ nước này đã cung cấp cho phía Nhật danh sách những thiết bị quốc phòng muốn mua để tăng cường an ninh hàng hải.
Bình luận (0)