Sự việc xảy ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên biển Đông. Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Bill Urban, Bắc Kinh từ chối cho tàu Stennis và đội tàu hộ tống vào Hồng Kông dù “đã nhiều lần được cập cảng này trước đó”.
Ông Urban cho biết thêm một tàu chiến khác của Mỹ là USS Blue Ridge hiện cập cảng ở Hồng Kông và phía Washington hy vọng chuyến thăm này sẽ tiếp tục diễn ra như bình thường.
Một quan chức hải quân Mỹ hé lộ rằng đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc ở Hông Kồng không muốn cho tàu USS John C. Stennis ghé vào đây vì “thời điểm này không thuận tiện”.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng như Đại sứ quán Mỹ tại Washington chưa đưa ra bình luận về vụ việc này. Người phát ngôn của Cục An ninh Hồng Kông cũng từ chối bình luận.
Tàu sân bay Mỹ USS John C. Stennis Ảnh: REUTERS
Hồi đầu tháng 3, thuyền trưởng Greg Huffman, sĩ quan chỉ huy tàu sân bay USS John C. Stennis, nhấn mạnh các tàu Trung Quốc theo sát "chưa từng thấy" khi các tàu trong cụm tàu sân bay của ông tuần tra trên biển Đông.
Đến giữa tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã ghé thăm tàu này trên biển Đông nhằm chứng tỏ cam kết duy trì tự do hàng hải của Mỹ trước các hành động của Trung Quốc.
Thời điểm đó, ông Carter phủ nhận việc Trung Quốc cáo buộc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực khiến căng thẳng gia tăng. Ông Carter vạch rõ các hành động quân sự hóa những tiền đồn mà Trung Quốc xây trái phép trên biển Đông là điều khiến thế giới quan ngại.
Trong quá khứ, nhiều tàu và máy bay Mỹ thường xuyên được dừng ở Hồng Kông. Tuy nhiên, việc này thỉnh thoảng bị gián đoạn trong thời điểm 2 bên căng thẳng như vụ va chạm trên không giữa máy bay do thám EP-3 của Mỹ và phi cơ Trung Quốc hồi năm 2001 tại đảo Hải Nam.
Tàu sân bay USS Kitty Hawk cũng từng bị từ chối cho vào cảng Hồng Kông vào dịp lễ Tạ ơn vào năm 2007 nhưng sau đó được cấp phép lại.
Bình luận (0)