Reuters dẫn lời các quan chức Trung Quốc hôm 29-3 cho biết thương hiệu thời trang H&M (Thuỵ Điển) và các công ty nước ngoài khác "không nên hành động vội vàng hoặc tham gia chính trị" sau khi các công ty này bày tỏ quan ngại về tình trạng "cưỡng bức lao động" ở Tân Cương.
H&M, Burberry, Nike, Adidas và một số thương hiệu phương Tây đang bị ảnh hưởng bởi làn sóng tẩy chay của người tiêu dùng đại lục. Rạn nứt ngày càng gia tăng khi Mỹ và các chính phủ phương Tây gây áp lực lên Trung Quốc vì nghi ngờ vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.
Phát ngôn viên chính quyền Tân Cương Xu Guixiang nói tại một cuộc họp báo sáng 29-3: "Tôi nghĩ một công ty không nên chính trị hóa hành vi kinh tế của mình. H&M có thể tiếp tục kiếm tiền ở thị trường Trung Quốc không? Câu trả lời là không".
H&M đang bị ảnh hưởng bởi làn sóng tẩy chay của người tiêu dùng đại lục. Ảnh: Reuters
Người dùng mạng xã hội Trung Quốc tuần trước lan truyền một tuyên bố hồi năm ngoái của H&M, trong đó quyết định không sử dụng nguồn cung cấp sợi bông từ Tân Cương. Công ty Thuỵ Điển vẫn chưa đưa ra bình luận.
Trước đó, hôm 26-3, Mỹ lên án chiến dịch truyền thông xã hội của Trung Quốc nhằm vào Washington và các công ty quốc tế khác do cam kết không sử dụng sợi bông từ Tân Cương. Anh, Canada, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã phối hợp trừng phạt Bắc Kinh về cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.
Chính phủ Mỹ công khai cáo buộc Trung Quốc có "hành động diệt chủng đối với các dân tộc thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ trong khu vực". Tuy nhiên, ông Xu bác bỏ và cho rằng đó là chiêu bài "thao túng chính trị để gây bất ổn cho Trung Quốc bằng các biện pháp trừng phạt".
Hồi tháng 1 năm nay, Mỹ công bố lệnh cấm nhập khẩu đối với tất cả sản phẩm sợi bông và cà chua từ Tân Cương.
Trung Quốc đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng về cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ trong các trại ở đây. Bắc Kinh vẫn chưa cho phép các quan sát viên độc lập tiếp cận Tân Cương.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres hôm 28-3 nói rằng họ đang tổ chức các cuộc đàm phán nghiêm túc với Bắc Kinh về việc tiếp cận khu vực Tân Cương để xác minh báo cáo vi phạm nhân quyền.
Nhật Bản, Indonesia phản đối Trung Quốc
Các bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản và Indonesia hôm 28-3 nhất trí gửi thông điệp phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động nào làm leo thang căng thẳng ở biển Đông và biển Hoa Đông của Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi nói với các phóng viên sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Indonesia Prabowo Subianto tại thủ đô Tokyo rằng họ sẽ thúc giục Trung Quốc kiềm chế, không đơn phương thay đổi hiện trạng ở các vùng biển trên. Hai bên cũng đồng ý thúc đẩy hợp tác quốc phòng và tổ chức một cuộc tập trận chung giữa lực lượng Nhật Bản và Indonesia ở biển Đông.
Ông Kishi (phải) và ông Subianto tại thủ đô Tokyo hôm 28-3. Ảnh: Kyodo News
Bình luận (0)