Bắc Kinh đang trang bị cho các tàu chiến mặt nước tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh với tầm bắn lớn hơn nhiều so với các tên lửa cận âm thời chiến tranh lạnh mà Hải quân Mỹ có trong kho vũ khí của mình. Các tàu khu trục tiên tiến Type 052 và Type 055 của Hải quân Trung Quốc được trang bị loại tên lửa hành trình YJ-18 có tầm tấn công lên tới 540 km.
Trong khi đó, các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke và các tàu tuần dương lớp Ticonderoga của Mỹ chỉ được biên chế tên lửa tầm ngắn, chẳng hạn như tên lửa chống hạm Harpoon và SM-6 với khả năng tấn công hải đối hải khoảng 240 km.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Harbin (112) của Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân Nga - Trung. Ảnh: AP
"Đó là một khoảng cách rất lớn. Các khả năng của tên lửa chống hạm Trung Quốc vượt xa tên lửa của Mỹ về cả tầm bắn, tốc độ và hiệu suất cảm biến" - Robert Haddick, cựu sĩ quan Thủy quân lục chiến đồng thời là nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Hàng không - Vũ trụ Mitchell chia sẻ với hãng tin Reuters trong tuần này.
Một số chuyên gia khác lại cho rằng các tên lửa của Mỹ và Trung Quốc đều có khả năng sống sót và sát thương như nhau nhưng khi xét về tầm bắn, tên lửa Trung Quốc chắc chắn có lợi thế hơn. Tuy nhiên, ưu điểm vượt trội của Hải quân Mỹ là các khả năng của tên lửa.
Các tàu khu trục Type 052 và Type 055 của PLAN, mỗi lớp tương ứng có 64 và 112 ống phóng thẳng đứng (VLS). Trong khi các tàu khu trục và tàu tuần dương của Hải quân Mỹ có hệ thống phóng tương ứng là 96 và 122 ống. Hơn nữa, lực lượng tàu chiến mặt nước Trung Quốc hiện không có nhiều phương tiện tấn công hạng nặng.
Nanchang (Nam Xương) - tàu khu trục Type 055 của Hải quân Trung Quốc. Ảnh: TASS
Bryan Clark, cựu sĩ quan Hải quân và là chuyên gia về hải quân tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách, nhận định với trang tin Business Insider ngày 27-4: "Hệ thống phóng thẳng đứng của PLAN chỉ bằng khoảng 1/10 so với Hải quân Mỹ cho dù họ có số lượng tàu chiến mặt nước tương đương". Theo Bryan Clark, khoảng cách này của PLAN có thể sẽ sớm được thu hẹp bởi Trung Quốc đang đầu tư nhiều nguồn lực hơn cho vũ khí tấn công.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Bainbridge (DDG 96) lớp Arleigh Burke (phải) và tàu tuần dương USS Leyte Gulf (CG 55) lớp Ticonderoga của Hải quân Mỹ. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Trong một kịch bản xung đột hải quân giả định mà mỗi bên đều trang bị chủng loại và số lượng tàu chiến tương tự, Mỹ chắc chắn sẽ có khả năng lớn hơn, nhưng nếu phía Trung Quốc có thể tấn công ở tầm xa hơn, khi đó các tên lửa trên tàu chiến Mỹ sẽ chẳng phát huy tác dụng nếu Trung Quốc khai hỏa trước, từ bên ngoài phạm vi phòng thủ của các tàu chiến Mỹ. "Tàu chiến Mỹ có thể làm được gì để đáp trả? Ở tầm tấn công mà chúng ta đang nói tới thì chẳng làm được gì cả" - chuyên gia Clark nói.
Trong một cuộc xung đột ở quy mô lớn hơn, tổng sức mạnh vũ khí sẽ giúp Mỹ giành được lợi thế quân sự nhưng bất lợi về tầm bắn vẫn tiếp tục là một vấn đề nghiêm trọng. Đây là lý do tại sao Hải quân Mỹ đang cải tiến tên lửa hành trình Tomahawk thành biến thể tấn công trên biển. Đó chính là nỗ lực gia tăng tầm tấn công.
Bình luận (0)