Theo báo cáo của Lực lượng đặc nhiệm EMP về an ninh quốc gia và nội địa Mỹ, Trung Quốc đã phát triển ba loại vũ khí hạt nhân chuyên dụng có khả năng tạo ra xung điện từ cường độ lớn (EMP) để đánh sập hệ thống lưới điện Mỹ. Một vụ tấn công như thế sẽ được sử dụng để mở đầu cho một tấn công quy mô lớn.
Để thực hiện một cuộc tấn công như trên, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có ít nhất ba phương pháp.
Một là vũ khí siêu EMP, tức loại đầu đạn hạt nhân được thiết kế để tối đa hóa sóng xung kích điện từ, từ đó tạo ra sức hủy diệt lớn hơn. Vũ khí này có thể được cho nổ trên bầu khí quyển, vô hiệu hóa hệ thống điện và các thiết bị điện tử trong bán kính rộng lớn quanh nó, từ máy tính đến lưới điện, máy bay đang bay .
Mỹ từng thử nghiệm vũ khí này trong năm 1962.
Vụ thử bom hydrogen tại Rạn san hô Bikini vào ngày 1-3-1954. Ảnh:Giff Johnson
Hai là vũ khí siêu thanh - phương tiện bay hoặc tên lửa hành trình có khả năng di chuyển nhanh đến mức các hệ thống phòng không đối phương không thể đánh chặn kịp. Trung Quốc được cho đã phát triển ít nhất hai vũ khí siêu thanh như vậy.
Phương pháp thứ 3 mang tính lý thuyết nhiều hơn nhưng Bắc Kinh vẫn có thể làm được về mặt kỹ thuật: gắn vũ khí hạt nhân EMP lên vệ tinh trên quỹ đạo.
"Mỹ cần rất quan tâm đến kịch bản Trung Quốc sử dụng vũ khí không gian hạt nhân - có thể là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) với đầu đạn chuyên dụng - để nhanh chóng tiêu diệt vệ tinh Mỹ. Sau đó, Trung Quốc sẽ phóng một lượng lớn vệ tinh khác lên khống chế "biên giới trên cao" và làm tê liệt khả năng quân sự của Mỹ" - Ông Peter Pry, người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm, viết trong báo cáo.
Đáng chú ý, theo báo cáo, tin tặc Trung Quốc đã "đánh cắp các công nghệ cho tất cả vũ khí này từ Mỹ". Ngoài ra, học thuyết của Trung Quốc về "không tấn công hạt nhân phủ đầu trước" gần như chắc chắn là thông tin sai lệch.
Lý do được ông Pry đưa ra là Trung Quốc không có hệ thống cảnh báo sớm như Mỹ để có thể báo động một cuộc tấn công đang xảy ra. Ngoài ra, kho vũ khí hạt nhân nhỏ hơn của Trung Quốc - ước tính có khoảng 320 đầu đạn hạt nhân vào tháng 1-2020 - sẽ chịu tổn thất lớn trong một cuộc tấn công phủ đầu như thế, cho dù xuất phát từ Mỹ, Nga hoặc thậm chí là Ấn Độ.
Bình luận (0)