Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 6-5 chỉ trích mạnh mẽ việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển thuộc thềm lục địa Việt Nam, cho đó là động thái thể hiện thái độ ngày càng hung hăng của Bắc Kinh với các nước láng giềng trong khu vực.
Phá hoại hòa bình khu vực
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nhận định: “Với những căng thẳng gần đây ở biển Đông, việc Trung Quốc quyết định vận hành giàn khoan trong vùng biển này là một bước đi mang tính khiêu khích và không giúp ích gì cho việc duy trì hòa bình cũng như ổn định trong khu vực.
Những sự kiện như trên càng cho thấy các bên có tranh chấp cần phải làm rõ những đòi hỏi chủ quyền của mình một cách phù hợp với luật pháp quốc tế, đạt được một thỏa thuận về những loại hoạt động được phép tiến hành trong khu vực tranh chấp”.
Tàu hải giám và giàn khoan Trung Quốc tại biển Đông
Ảnh: SINA
Trong khi đó, ông Daniel Russel, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết Washington đang điều tra động thái nêu trên của Bắc Kinh. Hãng Reuters dẫn lời ông Russel cho biết: “Chúng tôi tin rằng các nước tuyên bố chủ quyền (ở biển Đông) đều cần thận trọng và kiềm chế. Nền kinh tế toàn cầu quá mỏng manh và sự ổn định tại khu vực rất quan trọng để mạo hiểm vì lợi ích kinh tế ngắn hạn”.
Đáp lại, nhật báo Tinh Đảo dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh ngày 7-5 cho biết Trung Quốc không có gì để bàn thảo với Mỹ về chuyện giàn khoan ở biển Đông, đồng thời đề nghị Washington tránh đưa ra nhận xét “vô trách nhiệm”.
Với chuyên gia về biển Đông Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Singapore, việc đưa một giàn khoan khổng lồ vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là sự leo thang đáng kể của Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông.
Trang tin Sohu dẫn thông tin cho rằng một trong những mục đích của động thái khiêu khích mới nhất của Trung Quốc là nhằm gửi tín hiệu thách thức đến Washington sau chuyến công du châu Á mới đây của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Thậm chí, có bình luận cho rằng động thái đó nhằm đánh lạc hướng dư luận Trung Quốc khi xảy ra liên tiếp các vụ tấn công của người Duy Ngô Nhĩ.
Riêng PGS Lý Minh Giang từ Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế thuộc Trường ĐH Công nghệ Nanyang của Singapore nhận định với hãng tin Bloomberg: “Việt Nam sẽ công khai chỉ trích Trung Quốc trên trường quốc tế, huy động các nước ASEAN khác, đặc biệt là những nước có tranh chấp với Trung Quốc, gia tăng áp lực lên Bắc Kinh”.
Cần tuân thủ luật quốc tế
Hành động ngang ngược của Trung Quốc không chỉ gây nên phản ứng phẫn nộ từ cộng đồng quốc tế mà còn vấp phải sự phản đối từ chính giới học giả nước này. Học giả hàng đầu Lý Lệnh Hoa, người phản bác “đường lưỡi bò” phi lý của Bắc Kinh ở biển Đông, đã đưa ra ý kiến “trái chiều” trên blog cá nhân vào cuối ngày 6-5.
Theo ông, là một trong những nước ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Trung Quốc nên tuân theo điều thứ 74 và 83 của công ước này. Theo đó, Trung Quốc phải tôn trọng chủ trương thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước ven biển xung quanh.
Học giả Lý Lệnh Hoa chuyên nghiên cứu về vấn đề vạch ranh giới biển quốc tế của Trung tâm Thông tin hải dương Trung Quốc. Trước nay, ông liên tục đưa ra những nghiên cứu và tranh luận cho rằng “đường lưỡi bò” đã lấn vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nhiều nước khác, hoàn toàn không có căn cứ lịch sử và pháp lý.
Trong bài viết “Không thể trì hoãn việc giải quyết vấn đề biển Đông” trên diễn đàn Sina.com, ông Lý Lệnh Hoa yêu cầu Bắc Kinh phải chủ động, tích cực giải quyết để tránh mọi xung đột không cần thiết.
Trong khi đó, phản ứng trước sự phản đối của Việt Nam và sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tỏ thái độ cứng rắn khi “kêu gọi phía Việt Nam không nên can thiệp các hoạt động của các công ty Trung Quốc” ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì thậm chí còn trắng trợn cho rằng Việt Nam “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Trung Quốc khi can thiệp vào các hoạt động bình thường của công ty Trung Quốc” ở quần đảo Hoàng Sa. Ông Dương còn nói rằng cần ngừng các hành động can thiệp ngay lập tức “vì mối quan hệ chung giữa hai nước”.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 7-5 đưa tin Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đã triệu tập Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh Nguyễn Văn Thơ để “phản đối”.
Bình luận (0)