Năm 1994, Mỹ nhận được tin tình báo rằng Triều Tiên đang tiến đến sản xuất vũ khí hạt nhân bất chấp việc đã ký Hiệp ước Hạn chế vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Nửa năm đàm phán căng thẳng không đưa lại kết quả gì khiến Mỹ quyết định phô diễn sức mạnh trong một thời gian ngắn. Khủng hoảng chỉ kết thúc vào mùa hè cùng năm khi cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter khởi động kênh ngoại giao cá nhân với cố chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành.
Căn cứ trên báo cáo vào cuối tháng 1-1994 vừa được giải mật của Cục Tình báo quân đội Mỹ (DIA), mục đích tối thượng của Trung Quốc khi đó là “hòa hợp các lợi ích của nước này, bao gồm sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên và mối quan hệ lâu dài cùng Bình Nhưỡng với việc giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, để tránh bị cô lập trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và qua đó duy trì quan hệ ổn định với Mỹ - Nhật – Hàn”.
Binh sĩ Trung Quốc tập trận ở Thẩm Dương gần Triều Tiên đầu tháng 4 vừa qua. Ảnh: Thời báo Hoàn cầu
Trên lĩnh vực quân sự, DIA chia thành hai loại: chiến tranh do Triều Tiên tấn công trước và chiến tranh do Mỹ hoặc Liên Hiệp Quốc khởi đầu nhắm vào Bình Nhưỡng. Nếu Triều Tiên đánh Hàn Quốc, Trung Quốc sẽ không hỗ trợ quân sự cho đồng minh, thay vào đó sẽ nỗ lực chấm dứt xung đột. Ngược lại, nếu Triều Tiên bị Mỹ - Hàn tấn công, Trung Quốc sẽ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Trong tình thế xấu nhất, Bắc Kinh có thể phái quân vượt sông Áp Lục để ngăn chặn viễn cảnh Mỹ và đồng minh tràn vào chính Trung Quốc.
Tuy nhiên, trên đây là những tính toán của gần hai thập kỷ trước. Tình hình hiện nay có nhiều thay đổi. Tháng trước, Trung Quốc đã ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ ba. Điều này cho thấy Trung Quốc đang tăng cường kìm cương Triều Tiên. Và nếu chiến tranh nổ ra, Trung Quốc có thể sẽ chỉ triển khai lực lượng để giữ yên “cửa ngõ” của mình.
Trong khi đó, trang tin Sankei (Nhật Bản) tối 11-4 dẫn nguồn thạo tin về tình hình Triều Tiên cho biết Trung Quốc đã điều khoảng 1.000 quân từ quân khu Thẩm Dương đến thành phố biên giới Đan Đông (tỉnh Liêu Ninh) từ tháng 3.
Động thái này được cho là nhằm kiểm soát dòng người tị nạn trong trường hợp có biến cố lớn trên bán đảo Triều Tiên. Ngược lại, Triều Tiên giảm số binh sĩ tại biên giới với Trung Quốc, có thể là để tăng cường triển khai tại các khu vực giáp giới Hàn Quốc.
Cùng ngày, giới thương gia Trung Quốc cho hay biên giới Trung – Triều vẫn yên tĩnh và Bình Nhưỡng đang chuẩn bị để chào mừng ngày sinh cố lãnh tụ Kim Nhật Thành. Người dân Triều Tiên đang mua rất nhiều phân bón để chuẩn bị cho vụ gieo trồng mùa xuân, không hề giống chiến tranh sắp xảy ra, theo một thương nhân Trung Quốc.
Bình luận (0)