Thanh toán điện tử ở Trung Quốc hồi năm ngoái đạt mức 5.500 tỉ USD. Trong khi đó, ngày 8-8 vừa qua là "Ngày không tiền mặt" lần thứ 3 tại Trung Quốc, theo một sáng kiến của Công ty WeChat Pay thuộc Tập đoàn công nghệ Tencent.
Cô Laura Primiceri, du khách người Anh, trước khi tới Trung Quốc vào tháng 2 vừa qua đã tải WeChat và Alipay - 2 ứng dụng thanh toán di động được sử dụng nhiều nhất đại lục (chiếm 90% thị phần). Nữ du khách này sau đó mau chóng thích nghi với cuộc sống không tiền mặt ở thủ đô Bắc Kinh.
Thanh toán di động phổ biến đến nỗi ngay cả những người cao tuổi cũng mua rau trên điện thoại di động. Từ đặt lịch hẹn khám bác sĩ, giữ chỗ ở nhà hàng cho tới mua vé xem phim, cư dân Bắc Kinh đều có thể thanh toán bằng cách quét mã QR thông qua ứng dụng.
Nhân viên thu ngân Ren Tingting làm việc tại chuỗi siêu thị Century Mart cho biết thanh toán di động giúp mọi người tiết kiệm rất nhiều thời gian và ngăn chặn nạn tiền giả.
Du khách thanh toán qua điện thoại di động ở Trung Quốc Ảnh: VCG
Đón đầu xu thế, một số doanh nghiệp nước ngoài đã hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ địa phương giúp khách hàng thanh toán qua mạng internet. Một trong những doanh nghiệp đi tiên phong là chuỗi cửa hàng cà phê Starbucks - hợp tác với Tencent thông qua ứng dụng WeChat.
Ngoài Bắc Kinh, nhiều thành phố khác của Trung Quốc cũng hòa mình vào xu thế "không tiền mặt". Ant Financial, công ty con của Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, gần đây ký thỏa thuận với chính quyền 4 thành phố Vũ Hán, Phúc Châu, Thiên Tân và Quý Dương nhằm đẩy mạnh thanh toán di động.
Nền tảng thanh toán điện tử Alipay của Ant Financial đã xuất hiện tại 357 thành phố khắp Trung Quốc tính đến cuối năm 2016. Người dân tại những địa phương này có thể thanh toán đủ loại hóa đơn, như viện phí, vé xe buýt, vé tàu, thậm chí là mua đồ ăn sáng. Không những vậy, Alipay còn mở rộng hoạt động sang hơn 200 quốc gia và khu vực, hỗ trợ thanh toán bằng 18 loại tiền tệ.
Trong khi đó, Công ty WeChat Pay thuộc Tập đoàn Tencent sở hữu hơn 130.000 chi nhánh ở 13 quốc gia và khu vực, hỗ trợ thanh toán bằng 10 loại tiền tệ trong đó có bảng Anh, đô-la Hồng Kông, đô-la Mỹ, yen Nhật và đô-la Canada.
Xu hướng này cũng khiến du khách Trung Quốc mang ít tiền mặt khi ra nước ngoài hơn. Tuy nhiên, thanh toán di động cũng đặt ra mối lo ngại về bảo mật do thông tin chi tiết của người tiêu dùng - trong đó có số điện thoại và địa chỉ email - sẽ được cung cấp cho người bán hàng.
Li Xinyu, sinh viên Hàn Quốc đang theo học tại Trường ĐH Thanh Hoa, cho biết anh thường sử dụng dịch vụ thanh toán di động ở Trung Quốc nhưng cũng lo thông tin cá nhân bị rò rỉ. Vì vậy, Li chỉ để khoảng 1.000-2.000 nhân dân tệ (không quá 300 USD) trong tài khoản Alipay.
Bình luận (0)