Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại kéo dài 50 phút với Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Balton sáng 13-6, phần lớn các phóng viên quốc tế - trong đó có Báo Người Lao Động - tập trung hỏi về vấn đề biển Đông, nơi tham vọng bành trướng của Trung Quốc đang vấp phải phản ứng dữ dội của các nước láng giềng lẫn cộng đồng quốc tế.
Trước câu hỏi về việc Trung Quốc tự ý khẳng định quyền đánh cá ở biển Đông và yêu cầu các tàu nước khác chấp hành đòi hỏi sai trái này, ông Balton khẳng định ông biết sự bất bình đối với những tuyên bố ngang ngược của Trung Quốc. Theo ông, đằng sau những tranh chấp như trên không có lý do nào khác ngoài nguồn tài nguyên.
Ông Balton không ngừng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong giải quyết các vấn đề: ô nhiễm biển, đánh cá và sự axít hóa đại dương. Đó cũng là 3 chủ đề chính của cuộc hội thảo “Our Ocean” (tạm dịch: Đại dương của chúng ta) mà Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chủ trì tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở thủ đô Washington DC trong ngày 16 và 17-6.
Đây là hội nghị đầu tiên quy tụ nhiều nhà lãnh đạo thế giới, doanh nhân, nhà khoa học, hoạt động môi trường nhằm nỗ lực giải quyết các đe dọa ngày càng gia tăng đối với đại dương. “Chỉ có thông qua hợp tác quốc tế, các quốc gia mới có thể tìm ra biện pháp hiệu quả để giải quyết các thách thức trên biển” - ông Balton nhấn mạnh.
Tàu sân bay USS George Washington và tàu tuần dương USS Cowpens trong một nhiệm vụ ở biển Đông
Ảnh: Reuters
Trước đó, trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc hội đàm ở Nhà Trắng hôm 12-6, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Úc Tony Abbott đã lên tiếng phản đối việc sử dụng biện pháp hăm dọa, cưỡng ép hoặc vũ lực để thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền trên biển Đông và biển Hoa Đông.
“Tất nhiên, cả Mỹ và Úc đều có quan hệ thương mại lớn với Trung Quốc và đều công nhận sự phát triển của kinh tế Trung Quốc là quan trọng. Tuy nhiên, điều quan trọng không kém là Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế với tư cách một cường quốc đang trỗi dậy” - ông chủ Nhà Trắng khẳng định.
Tuyên bố trên được đưa ra giữa lúc có thông tin Trung Quốc đang cải tạo trái phép 5 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Báo Philippine Star dẫn báo cáo từ phủ tổng thống Philippines cho biết 5 bãi đá trên bao gồm Gạc Ma, Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa, Én Đất - vốn bị Bắc Kinh chiếm đóng trái phép.
Báo cáo cũng nêu rõ chưa phát hiện hoạt động tương tự ở bãi Chữ Thập, Subi, Vành Khăn - nơi Bắc Kinh đã xây các chốt quân sự và cơ sở thông tin liên lạc. Tuy nhiên, Manila không loại trừ nguy cơ Bắc Kinh sẽ cải tạo 3 bãi đá này sau khi hoàn tất hoạt động phi pháp tại 5 bãi đá nêu trên.
Theo trang web phân tích địa chính trị Stratfor, Trung Quốc đang sử dụng chiến lược thăm dò dầu khí và thay đổi hiện trạng các đảo nhằm tăng cường khả năng hậu cần cho hải quân, qua đó lấn chiếm dần biển Đông.
Hành động trên một lần nữa cho thấy Bắc Kinh không coi luật pháp và dư luận quốc tế ra gì. Theo ông Ernest Bower, chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS - Mỹ), Trung Quốc đã sai lầm khi đánh giá Mỹ sẽ không dùng lực lượng quân sự chống lại Bắc Kinh để bảo vệ Việt Nam nếu xung đột bùng nổ trên biển Đông.
“Trung Quốc cho rằng Mỹ bị xao lãng và không có gan can thiệp vào vấn đề biển Đông. Việc Mỹ có hỗ trợ quân sự cho Việt Nam hay không còn tùy thuộc tình hình thực tế. Tuy nhiên, Bắc Kinh không nên đánh giá sai tình hình” - ông Bowner nói với tờ Washington Times (Mỹ).
Bình luận (0)