Việc Trung Quốc đệ trình lên Liên Hiệp Quốc (LHQ) “tuyên cáo lập trường” về vụ giàn khoan Hải Dương 981 cho thấy nước này ngày càng lo ngại bị Việt Nam và các quốc gia trong khu vực kiện ra tòa án quốc tế, dùng luật pháp quốc tế để phản đối những yêu sách chủ quyền phi lý của họ trên biển Đông.
Ván bài nguy hiểm
Theo tạp chí The Diplomat, Trung Quốc đang chơi một ván bài nguy hiểm vì “đường lưỡi bò” phi lý mà họ tự vẽ không được luật pháp quốc tế công nhận. Nếu kiện Trung Quốc, Việt Nam sẽ nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ nhiều nước, trong đó có Nhật Bản, Úc, Mỹ…
Trong khi đó, ông Dmitry Mosyakov - Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học Nga - nhận định văn kiện trên sẽ gây phản ứng chống Trung Quốc từ các thành viên LHQ. Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời ông Mosyakov cho rằng Mỹ có khả năng đề xướng nghị quyết lên án hoặc tiến hành một động thái nào đó.
Ngoài hành động đưa vụ giàn khoan ra LHQ, ông Vương Dân, Phó Đại sứ Trung Quốc tại LHQ, tiếp tục hô hào Bắc Kinh “tin rằng cách hữu hiệu nhất để giải quyết tranh chấp lãnh hải trong hòa bình là đàm phán và tham vấn trực tiếp giữa các bên liên quan, dựa trên chứng cứ lịch sử và luật pháp quốc tế”.
Tuy nhiên, ai cũng thấy rõ chính Trung Quốc mới là nước lâu nay chà đạp lên luật pháp quốc tế bằng những tuyên bố chủ quyền và hành động sai trái trên biển Đông. Hơn nữa, Bắc Kinh đến giờ vẫn khăng khăng từ chối tham gia vụ kiện của Manila về tranh chấp ở biển Đông.
Trung Quốc có hoạt động cải tạo trái phép tại bãi đá ngầm Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Ảnh: REUTERS
Tại cuộc gặp Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, hôm 10-6, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ John Ashe chia sẻ quan ngại của cộng đồng quốc tế về tình hình đang diễn ra tại biển Đông.
Theo TTXVN, ông Ashe ủng hộ chủ trương giải quyết căng thẳng bằng biện pháp hòa bình theo Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế của Việt Nam. Đại sứ Lê Hoài Trung cho biết Việt Nam đã nhiều lần liên lạc song phía Trung Quốc không những không đáp ứng đề nghị của Việt Nam mà còn gia tăng những hành động gây căng thẳng. Ông đề nghị LHQ và cộng đồng quốc tế tiếp tục quan tâm, ủng hộ những yêu cầu, đề nghị thiện chí của Việt Nam.
Mưu đồ “tàu sân bay tự nhiên”
Sau cuộc gặp trên, người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric cho biết tổ chức này sẵn sàng làm trung gian để giải quyết căng thẳng giữa Việt Nam với Trung Quốc. Theo ông Dujarric, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã kêu gọi hai bên giải quyết căng thẳng một cách hòa bình và hợp pháp.
Trong bước đi đe dọa làm leo thang hơn nữa căng thẳng trong khu vực, Trung Quốc đang âm mưu xây đảo nhân tạo nhái khu nghỉ dưỡng Cây cọ của Dubai ở bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Theo Bloomberg, các tàu Trung Quốc đã chở vật liệu xây dựng như cát, xi-măng, gỗ và thép tới bãi đá này bất chấp sự phản đối từ các nước láng giềng. Cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines Roilo Golez tin rằng Trung Quốc còn có ý đồ lập một căn cứ quân sự trên đảo nhân tạo nói trên, qua đó đe dọa làm thay đổi cục diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Nếu căn cứ này hoàn tất thì toàn bộ Philippines, Việt Nam và một phần Malaysia đều nằm trong tầm hoạt động của chiến đấu cơ Trung Quốc đóng tại đó. “Căn cứ quân sự Trung Quốc có thể đe dọa toàn bộ cơ sở kinh tế then chốt của chúng ta… Trong 2 - 3 năm nữa, nó sẽ trở thành một tàu sân bay tự nhiên không thể bị đánh chìm” - ông Golez lo ngại.
Cựu quan chức Philippines đánh giá bước đi trên của Trung Quốc là phương thức củng cố quyền lực của nước này ở biển Đông và sau đó “biến nó thành ao nhà”.
Nhật hỗ trợ Cảnh sát biển Việt Nam
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida hôm 11-6 cho biết Tokyo sẽ hỗ trợ chi phí lắp đặt hệ thống radar, radio cùng nhiều thiết bị khác cho tàu Cảnh sát biển Việt Nam. Ngoài ra, theo đài NHK, ông Kishida tuyên bố Nhật cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên biển Đông bằng con đường đối thoại hòa bình.
Để đối phó Bắc Kinh, Tokyo đang tăng tốc phát triển lĩnh vực quốc phòng, cải thiện các mối quan hệ khắp thế giới. Theo Reuters, Nhật Bản bắt đầu đàm phán với các nhà sản xuất trực thăng hàng đầu thế giới về một hợp đồng ước tính trị giá 2 tỉ USD để sản xuất máy bay vận tải cho quân đội và xuất khẩu.
Dự án có tên UH-X này sẽ thay thế khoảng 150 chiếc trực thăng trong phi đội già cỗi Huey chuyên vận chuyển binh lính của Nhật. Bằng cách tạo thêm thị trường bên ngoài cho UH-X, các nhà chức trách Nhật hy vọng chi phí cung cấp trực thăng cho Lực lượng Tự vệ (SDF) giảm đi đáng kể, đồng thời không bị bỏ lại phía sau trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường quân sự. Trong vòng 20 năm tính đến năm 2012, Nhật Bản chi tiêu quân sự đứng thứ 6 thế giới trong khi Trung Quốc đã nhảy từ thứ 7 lên thứ 2, chỉ sau Mỹ.
Cùng ngày, ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng của Nhật và Úc có cuộc gặp nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng, trong đó có thỏa thuận chuyển giao công nghệ tàu ngầm. Hai bên còn tái khẳng định sự phản đối trước bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực từ phía Bắc Kinh.Gia Hòa
Bình luận (0)