Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 16-6 cho biết Washington đã “lưu tâm” thông báo trên của Trung Quốc, đồng thời lo ngại về kế hoạch tiếp tục xây dựng cơ sở phục vụ mục đích quân sự và dân sự trên các bãi đá bị cải tạo trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng kế hoạch của Trung Quốc “không góp phần giảm căng thẳng, hỗ trợ các giải pháp ngoại giao và hòa bình hoặc củng cố tuyên bố chủ quyền trên biển của nước này”. Washington tiếp tục thúc giục Bắc Kinh không được quân sự hóa khu vực để tránh làm gia tăng căng thẳng.
Trung Quốc đưa tàu chiến đến Đá Vành khăn?
Hình ảnh vệ tinh mới đây của Google Maps cho thấy một tàu chiến Trung Quốc neo tại bãi đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hình ảnh này được Thời báo Hoàn cầu đăng lại hôm 17-6.
Theo tờ báo, con tàu mang số hiệu 999, có thể là tàu vận tải đổ bộ Jinggang Shan thuộc lớp Yuzhao Type 71. Tàu này chở được từ 500 - 800 binh lính, 15 - 20 xe tác chiến đổ bộ cùng 1 xe tăng chủ lực. Boong tàu có thể chứa 4 tàu đổ bộ đệm khí lớp Yuyi Type 726 cộng với 1 bãi đáp trực thăng.
Đồng quan điểm với Mỹ, Nhật Bản cảnh báo Trung Quốc rằng hoàn tất cải tạo đất phi pháp không có nghĩa là các tranh chấp ở biển Đông đã được giải quyết. Tokyo cũng chỉ trích hoạt động bồi lấn đảo, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt “hành động đơn phương” nhằm thay đổi hiện trạng vùng biển tranh chấp.
Hôm 17-6, Philippines hối thúc Trung Quốc chấm dứt các hoạt động cải tạo đất trái phép ở biển Đông. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose, bản chất những hành động ngang ngược trên là nhằm thay đổi hiện trạng và gây tổn hại tới vụ kiện Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý ở biển Đông của Philippines.
Theo chuyên gia biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Mira Rapp Hooper, thông báo hoàn tất xây dựng đảo của Trung Quốc có thể chỉ nhằm xoa dịu căng thẳng ngoại giao trước thềm Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ - Trung, dự kiến diễn ra tại Washington từ ngày 22 đến 24-6.
Bà Hooper còn nhấn mạnh đây không phải là dấu hiệu thể hiện sự thay đổi trong chính sách của Trung Quốc. Báo The New York Times của Mỹ cũng cho rằng với động thái này, Trung Quốc hy vọng vừa có thể giảm bớt căng thẳng với Mỹ vừa trấn an người dân rằng họ quyết chống lại sức ép quân sự của Mỹ.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 12-6 tuyên bố thử thành công tên lửa siêu thanh có thể mang đầu đạn hạt nhân Wu-14 vốn được thiết kế để xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Giới phân tích gọi đây là động thái nguy hiểm sẽ thổi bùng ngọn lửa căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington xung quanh vấn đề biển Đông.
Bình luận (0)