Theo bài viết, chính sách của ông Modi đối với Trung Quốc đã bị sự lớn mạnh của thế lực nói trên hủy hoại. Cũng theo phân tích của ấn phẩm thuộc Nhân dân nhật báo, vị thủ tướng Ấn Độ bắt đầu nắm quyền năm 2014 với mục tiêu nâng cao chủ nghĩa dân tộc tôn giáo. Tới nay, ông Modi đang tập trung vào những chính sách cứng rắn nhằm chống lại Trung Quốc và Pakistan.
Tờ báo theo đường lối diều hâu của Trung Quốc cho rằng ông Modi đã tận dụng sự lớn mạnh của chủ nghĩa dân tộc Hindu để đến với chiếc ghế quyền lực. Thế nhưng, đó là con dao hai lưỡi. Một mặt, điều đó có thể nâng cao uy tín cũng như khả năng kiểm soát đất nước cho nhà lãnh đạo 66 tuổi nhưng mặt khác nó lại khiến New Delhi rơi vào tầm ảnh hưởng của những người bảo thủ, từ đó cản trở những chính sách cải tổ.
Hậu quả là New Delhi buộc phải khắc nghiệt hơn trong các quan hệ đối ngoại, đặc biệt là đối với những nước như Trung Quốc và Pakistan.
Lực lượng quân sự Trung Quốc tại cửa khẩu Nathu La nối Tây Tạng với bang Sikkim của Ấn Độ Ảnh: HINDUSTAN TIMES
Những lập luận nói trên được đưa ra giữa lúc quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đang có cuộc đối đầu được xem là căng thẳng nhất tại gần biên giới 2 nước trong hơn 1 tháng qua. Bắc Kinh hiện cáo buộc New Delhi khơi mào cuộc khủng hoảng nói trên khi ngăn binh sĩ Trung Quốc xây một con đường ở vùng Doklam mà Trung Quốc đang tranh chấp với Bhutan, quốc gia nhận được sự hậu thuẫn của Ấn Độ.
New Delhi lo ngại con đường này, nếu được xây, sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia.
Cùng ngày 20-7, theo báo Hindustan Times (Ấn Độ), cựu tổng lãnh sự Trung Quốc tại Mumbai Liu Youfa mạnh miệng dọa rằng Ấn Độ phải tự nguyện rút lực lượng triển khai tại khu vực nếu không, họ sẽ bị bắt giữ hoặc tiêu diệt. Cảnh báo này được đưa ra không lâu sau khi Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tiến hành tập trận bắn đạn thật với sự tham gia của hàng ngàn binh sĩ tại Tây Tạng, gần nơi xảy ra cuộc đối đầu.
Chưa hết, tờ PLA Daily hôm 19-7 đưa tin "hàng chục ngàn tấn" phương tiện và thiết bị quân sự đã được triển khai đến Tây Tạng. Tờ PLA Daily dẫn lời nhà bình luận quân sự Ni Lexiong ở Thượng Hải nói rằng những động thái này dường như có liên quan trực tiếp tới cuộc đối đầu, với dụng ý ép New Delhi rút quân khỏi Doklam trước khi hai bên có thể đàm phán về vụ việc.
Tuy nhiên, phía Ấn Độ phủ nhận thông tin Trung Quốc chuyển khí tài hay tập trận bất thường ở gần biên giới.
Bình luận (0)