Vụ phóng thành công tàu Thần Châu 11 có người lái lên không gian vào tháng 10-2016 đánh dấu bước tiến đáng kể của chương trình không gian của Trung Quốc, đe dọa đến sự thống trị của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).
Thúc đẩy phát minh sáng tạo
Theo trang Bloomberg hôm 28-11, Trung Quốc hiện là đối thủ lớn nhất của Mỹ trong thám hiểm không gian với kế hoạch đưa người lên mặt trăng năm 2036 và sau đó là sao Hỏa. Không những thế, Chủ tịch Tập Cận Bình còn hy vọng các sứ mệnh không gian sẽ thúc đẩy làn sóng phát minh trong các lĩnh vực robot, hàng không và trí tuệ nhân tạo - những công nghệ hàng đầu của thế kỷ XXI cũng như mang lại lợi ích lớn cho kinh tế đất nước.
“Việc phát triển khoa học không gian đóng vai trò quan trọng đối với Trung Quốc. Không gian giờ đây không chỉ dành cho chính phủ và người hâm mộ mà đã được tích hợp vào nền kinh tế” - ông Jean-Jacques Dordain, cựu Tổng Giám đốc Cơ quan Không gian châu Âu, đánh giá.
Chương trình không gian của Trung Quốc cho đến giờ vẫn được bao phủ trong lớp màn bí mật. Trong một tiết lộ hiếm hoi, ông Ngô Diệc, Tổng Giám đốc Trung tâm Khoa học không gian quốc gia Trung Quốc, nói chính phủ đang xem xét đề xuất tăng cường đầu tư vào khoa học không gian với hy vọng những bước tiến khoa học, công nghệ đạt được sẽ giúp hồi sinh các công ty nhà nước và thúc đẩy trào lưu khởi nghiệp trong lĩnh vực tư nhân.
“Trung Quốc lâu nay vẫn dựa vào kiến thức do người khác khám phá. Nếu muốn mang lại sức sống mới cho nền kinh tế, nước này cần dành nhiều tài nguyên hơn cho nỗ lực phát triển những công nghệ đột phá” - ông Ngô giải thích. Nhân vật này tự tin cho rằng dù họ chỉ mới bắt đầu nhưng sẽ không gì ngăn được Trung Quốc trở thành cường quốc trong ngành công nghiệp không gian.
NASA “hãm phanh”
Để chinh phục mục tiêu trên, đề xuất đang được xem xét kêu gọi tăng ngân sách dành cho khoa học không gian từ 4,7 tỉ nhân dân tệ (695 triệu USD) trong giai đoạn 2011-2015 lên ít nhất 15,6 tỉ nhân dân tệ giai đoạn 2026-2030. Con số này vẫn kém xa số tiền 5,6 tỉ USD dành cho khoa học không gian của NASA hiện nay nhưng là sự gia tăng đáng kể nếu biết được 10 năm trước, nó chỉ mới là con số 0 tròn trĩnh.
Thời điểm đó, theo ông Ngô, Bắc Kinh chỉ tập trung cho những dự án quan trọng về chính trị hoặc có ứng dụng tức thì, như rốc-két, vệ tinh quân sự, tàu không gian phục vụ sứ mệnh có người lái… Giờ đây, nước này đang chi tiêu mạnh cho những nỗ lực khoa học, thể hiện qua việc phóng lên không gian vệ tinh lượng tử đầu tiên của thế giới và một kính viễn vọng dùng để tìm kiếm vật chất tối gần đây.
Hiện chưa rõ Trung Quốc chi tiêu bao nhiêu nhưng một số nhà phân tích tại Mỹ đang lo ngại Bắc Kinh sẽ nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với Washington trong cuộc đua không gian. Theo họ, trong lúc Trung Quốc “tăng ga” thì NASA lại “hãm phanh” khi cho dừng chương trình tàu con thoi, từ bỏ kế hoạch trở lại mặt trăng và gia hạn hoạt động của Trạm Không gian quốc tế đến năm 2024.
Chứng kiến Bắc Kinh công khai mục tiêu xây trạm không gian của riêng mình, đưa tàu vũ trụ đến vùng tối của mặt trăng và robot thăm dò tự hành lên sao Hỏa trước năm 2024, không ít nghị sĩ Mỹ thậm chí thắc mắc phải chăng nước này đã thua Trung Quốc trong cuộc đua không gian. “Trung Quốc sử dụng không gian để giành lợi thế về chính trị. Trong lúc một số hoạt động (về không gian) có liên quan đến khoa học và nghiên cứu, mục đích chính của Trung Quốc là phô trương sức mạnh” - ông James Lewis, Phó Chủ tịch cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế (Mỹ), nhận định.
Bình luận (0)