Gấu trúc ở Trung Quốc được xem là một biểu tượng ngoại giao nhưng Bắc Kinh chưa bao giờ cho mượn không gấu trúc. Vậy mà hồi tháng 4 vừa qua, 2 con gấu trúc được chuyển đến vườn thú Copenhagen – Đan Mạch khiến một số nhà bình luận nghi ngờ Bắc Kinh đang dồn mối quan tâm vào Bắc Cực và đặc biệt là vùng Greenland giàu khoáng sản, nơi Đan Mạch quản lý một phần.
Lý do là Bắc Cực được bao phủ bởi các đại dương và các quốc gia ven biển như Nga, Canada, Na Uy, Đan Mạch (thông qua Greenland) và Mỹ (thông qua Alaska).
Có thể chắc chắn một điều rằng Bắc Kinh đang chú ý tới lượng tài nguyên khổng lồ ở vùng cực Bắc Trái Đất. Ngày 11-7 vừa qua, tàu phá băng Tuyết Long mang theo 65 nhà khoa học Trung Quốc dấn thân vào cuộc hành trình thứ 6 tới Bắc Cực. Bên cạnh đó, một tàu phá băng mới trị giá 210 triệu USD đang được Bắc Kinh chế tạo. Và cuối tháng 12-2013, viện nghiên cứu Trung Quốc – Bắc Âu được đưa vào hoạt động tại thành phố Thượng Hải.
Một khi những tảng băng khổng lồ cản trở lộ trình Biển Bắc (NSR) dần tan chảy, Trung Quốc sẽ tìm cách chớp lấy cơ hội vận chuyển hàng hóa qua tuyến đường biển quan trọng này. Trong năm 2010, chỉ có 4 tàu (mỗi tàu đi kèm 1 tàu phá băng) của các nước di chuyển trót lọt qua NSR. Nhưng hồi năm ngoái, 71 tàu đã xuyên qua thành công.
Nhiều cơ quan dự báo thời tiết của các quốc gia cho biết có khả năng đến năm 2050, Bắc Băng Dương sẽ không còn là khu vực chứa đầy băng tuyết do ảnh hưởng của việc khí hậu Trái Đất nóng dần lên. Nhờ đó, NSR sẽ rút ngắn 22% hành trình từ Rotterdam - Hà Lan đến Thượng Hải và khoảng 5-15% giao dịch quốc tế của Trung Quốc được vận chuyển thông qua NSR vào năm 2020, theo dự báo của Viện Nghiên cứu Vùng cực Trung Quốc.
Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng sẽ gặp không ít khó khăn nếu muốn tiếp cận Bắc Cực. Chẳng hạn về vấn đề năng lượng, mặc dù Trung Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực khai khoáng ở Greenland, nhưng các nguồn tài nguyên dưới đáy biển ở Bắc Cực phần lớn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven Bắc cực (đặc biệt là Nga). Do đó, nếu Trung Quốc muốn năng lượng thì phải khai thác chung.
Ngoài ra, sự hiện diện của một số cá nhân và tập đoàn Trung Quốc tại Na Uy cũng vấp phải sự phản đối của cư dân địa phương. Như vụ ông trùm Huang Nubo gần đây đã mua 100 ha đất trên đảo Svalbard - Na Uy để xây dựng khu nghỉ mát cho khách du lịch Trung Quốc hoặc kế hoạch tương tự ở Iceland vào năm 2011 đều bị người dân địa phương phản đối.
Bình luận (0)