Các thỏa thuận trị giá nhiều tỉ USD nói trên nhằm mục đích phát triển cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và chăm sóc sức khoẻ cho Campuchia.
19 thỏa thuận đầu tư và viện trợ được ký kết sau các cuộc đàm phán giữa Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và người đồng cấp Campuchia Hun Sen. Ông Lý dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc thăm Campuchia hôm 11-1.
Trong đó, có một hợp đồng giữa Công ty đầu tư Campuchia ở nước ngoài và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB), nội dung vay vốn cho một sân bay mới ở tỉnh Siem Reap và một hợp đồng xây dựng đường cao tốc từ thủ đô Phnom Penh đến khu nghỉ mát Sihanoukville.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) và người đồng cấp Campuchia Hun Sen tại Phnom Penh hôm 11-1. Ảnh: REUTERS
Bộ trưởng Giao thông và Công nghiệp Campuchia Sun Chanthol nói với AP rằng Trung Quốc sẽ đầu tư khoảng 2 tỉ USD để xây dựng đường cao tốc. Ông Sun cho biết dự án sẽ bắt đầu trong năm nay và mất ít nhất 44 tháng để hoàn tất.
Tập đoàn Hoàng gia Campuchia và Tập đoàn Công nghiệp Vạn lý trường thành Trung Quốc cũng đồng ý phóng vệ tinh viễn thông đầu tiên của Campuchia. Các khoản vay khác từ Phnom Penh bao gồm các khoản vay "mềm" nhằm phát triển điện lực và hỗ trợ nông nghiệp.
Trợ lý của Thủ tướng Hun Sen, Eang Sophalleth, cho biết 2 nhà lãnh đạo còn thảo luận biện pháp khuyến khích du khách Trung Quốc tới thăm Campuchia và xuất khẩu đường sang Trung Quốc.
Ngoài ra, Trung Quốc sẽ viện trợ hơn 1,2 tỉ nhân dân tệ (184 triệu USD) cho các dự án khác ở Campuchia.
Bộ Ngoại giao Campuchia cho biết thương mại song phương giữa 2 nước sẽ đạt 6 tỉ USD vào năm 2020.
Theo Reuters, Trung Quốc là nhà tài trợ lớn nhất của Campuchia. Trong 1 thập kỷ qua, Bắc Kinh viện trợ và đầu tư hàng triệu USD cho Phnom Penh, miễn thuế hàng trăm mặt hàng thương mại và xóa nợ cho nước này. Đổi lại, Campuchia ủng hộ Trung Quốc trên các diễn đàn quốc tế, bao gồm tranh chấp ở biển Đông.
Bình luận (0)