Ngày 25-10, ông Ben Emmerson, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, đã yêu cầu Mỹ công bố số thường dân bị máy bay không người lái (UAV) của nước này giết hại trong các vụ tấn công chống những phần tử Hồi giáo. Số liệu ban đầu từ các báo cáo tại chỗ do ông Emmerson thu thập được cho thấy hơn 450 người đã bị UAV Mỹ giết hại trong các phi vụ ở Pakistan, Afghanistan và Yemen. Số liệu này cần được xác minh thêm và ông yêu cầu Mỹ làm sáng tỏ.
Giết người theo luật rừng
Ngoài ra, chỉ trong ngày 22-10, hai tổ chức nhân quyền lớn là Ân xá Quốc tế (AI) và Theo dõi Nhân quyền (HRW) cũng đồng loạt công bố báo cáo về tội ác chiến tranh của Mỹ ở các nước Hồi giáo nhân danh chống khủng bố.
Báo cáo giữa UAV và Al-Qaeda dày 102 trang của HRW về chiến dịch của CIA ở Yemen từ năm 2009 đến nay ghi nhận trong 6 phi vụ cụ thể, có đến 2 vụ giết nhầm thường dân dù những người này rõ ràng không phải là phần tử Al-Qaeda. Bất chấp luận điểm của Mỹ rằng chiến dịch UAV ở Yemen nhằm phá vỡ mạng lưới khủng bố, những vụ giết lầm càng làm người dân “sợ Mỹ hơn Al-Qaeda” - theo nhận định của Letta Tayler, học giả nghiên cứu chủ nghĩa khủng bố và chống khủng bố của HRW.
AI đã điều tra, phân tích 45 phi vụ UAV Mỹ ở tỉnh Bắc Waziristan từ tháng 1-2010 đến tháng 8-2013. Kết quả cho thấy Mỹ vi phạm luật quốc tế, có dấu hiệu phạm tội ác chiến tranh. Đơn cử tháng 10-2012, bà Mamana Bibi, 68 tuổi, bị UAV Mỹ bắn chết bằng 2 quả tên lửa Hellfire (dùng phá tăng và công sự) khi làm đồng cùng các cháu ngoại. Tháng 7-2012, 18 nông dân Pakistan, gồm cả một bé trai 14 tuổi, đang ngồi ăn tối thì bị giết sau một loạt không kích vào ngôi làng của họ gần biên giới Afghanistan. Mỹ nói những người này là “khủng bố” nhưng AI khẳng định họ chẳng có vũ khí.
Nhận định về vụ này, ông Mustafa Qadri, chuyên viên AI người Pakistan, tuyên bố: “Chúng tôi không tìm thấy chứng cứ nào để biện minh cho hành động này. Họ chỉ là nông dân, không có khả năng đe dọa an ninh nước Mỹ. Bức màn bí ẩn xung quanh chương trình UAV đã cho phép chính quyền Mỹ giết người mà không cần xét xử và bất chấp các tiêu chuẩn cơ bản của luật quốc tế, đồng thời từ chối đền bù thiệt hại. Đã đến lúc Mỹ phải dọn sạch chương trình UAV và nghiêm trị kẻ có trách nhiệm”.
CIA và Bộ Quốc phòng “mâu thuẫn sâu sắc”
Trước áp lực của công luận, tháng 5-2013, Nhà Trắng ngầm cho biết sẽ chuyển giao chương trình UAV của cơ quan tình báo đầy tai tiếng CIA cho Bộ Quốc phòng Mỹ (DOD) để “tăng cường tính minh bạch”. Song, 6 tháng đã trôi qua mà vẫn chưa thấy gì. Theo nguồn tin độc quyền của tạp chí Foreign Policy, mục tiêu này có thể chẳng bao giờ đạt được do “bộ máy chính quyền quan liêu và mâu thuẫn DOD - CIA sâu sắc”, dù một quan chức Nhà Trắng nhấn mạnh rằng “chính sách đang được thực thi và cần thời gian để hoàn tất”.
Vấn đề nằm ở chỗ CIA và DOD tiếp cận quan điểm “tìm, xác định và xử lý” những mục tiêu khủng bố rất khác nhau. Về điểm này, CIA tự hào có nhiều kinh nghiệm và nghiệp vụ hơn. Trong khi đó, DOD - cũng từng thực hiện riêng hàng trăm phi vụ UAV chống khủng bố ở Iraq và Afghanistan - lại lép vế vì phải đáp ứng tiêu chuẩn minh bạch rất khó ăn nói. Cụ thể, DOD không thể điều UAV vào Pakistan hay Yemen tấn công như CIA chuyên đánh lén.
“Sát thủ Robot” Mỹ đang phát triển một loại UAV thế hệ mới gọi là “Sát thủ Robot”. Đây là công nghệ máy tính có khả năng tiêu diệt mục tiêu (con người) mà không cần sự can thiệp của con người. “Sát thủ Robot” tự động chọn mục tiêu, địa điểm và thời điểm tấn công trên không, trên bộ và trên biển. Nghe có vẻ khoa học viễn tưởng nhưng chiếc X-47 B của hải quân Mỹ có thể cất và hạ cánh trên tàu sân bay là một ví dụ. Được cho là cứu người nhưng loại vũ khí này có quá nhiều điều bất cập. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu nó bị trục trặc kỹ thuật, rơi vào tay khủng bố hoặc các nước thù địch đều có vũ khí này? Quan trong hơn, ai sẽ chịu trách nhiệm về mặt pháp lý khi xảy ra những vụ tấn công kiểu này? Vì thế, đầu tháng 10 vừa qua, 272 chuyên gia máy tính hàng đầu của 37 nước đã ký vào “Tuyên ngôn” phát động chiến dịch cấm phát triển công nghệ “Sát thủ Robot” do “những giới hạn và nguy cơ tiềm ẩn của công nghệ vũ khí tự động”. “Tuyên ngôn” sẽ được bàn thảo tại Liên Hiệp Quốc trong tháng này. Theo tờ Time, chiến dịch đang được ủng hộ mạnh. |
Bình luận (0)