Ủy ban Điều tra Liên bang Nga ngày 29-9 đã khởi tố hình sự điều mà họ gọi là “hành động diệt chủng” người dân nói tiếng Nga ở Donbass, miền Đông Ukraine.
350 thi thể thường dân
Các điều tra viên Nga cho biết kể từ ngày 12-4 đến nay, có những người trong giới lãnh đạo chính trị, quân sự Ukraine đã ban hành các mệnh lệnh nhằm tiêu diệt hoàn toàn người nói tiếng Nga tại 2 vùng Donetsk và Luhansk.
Theo dữ liệu điều tra, hành động sát hại người nói tiếng Nga được thực hiện qua việc sử dụng các hệ thống tên lửa Grad và Uragan, các loại tên lửa không vận, tên lửa chiến thuật Tochka-U và các loại vũ khí tấn công hạng nặng khác.
Hàng ngàn người đã tham gia cuộc mít tinh ở Moscow hôm 27-9, tưởng niệm các thường dân bị sát hại ở Ukraine
và yêu cầu quốc tế điều tra về các ngôi mộ tập thể ở Donbass .Ảnh: RIA NOVOSTI
Ủy ban Điều tra Nga cáo buộc ít nhất 2.500 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công nói trên. Ngoài ra, hơn 500 tòa nhà, bệnh viện, nhà trẻ và cơ sở giáo dục ở Donetsk và Luhansk bị phá hủy, buộc hơn 300.000 cư dân rời bỏ nhà cửa và lánh nạn ở Nga.
Tuy nhiên, Moscow chưa công bố tên các bị cáo cụ thể. Theo hãng tin Newsru, Bộ Luật Hình sự Nga quy định mức án 20 năm tù hoặc tử hình đối với tội diệt chủng.
Bản báo cáo mới nhất của các quan sát viên thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cho biết họ đã đến 3 địa điểm có mộ chôn tập thể ở Donetsk. Đồng thời, đại diện Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng cho biết hàng trăm thi thể thường dân đã được phát hiện tại các khu vực từng nằm dưới quyền kiểm soát của binh sĩ Ukraine.
Phó Thủ tướng DPR Andrei Purgin xác nhận Donetsk và các thành phố kế cận hiện đang lưu giữ gần 400 thi thể, trong đó có 350 thường dân, được lấy lên từ các ngôi mộ tập thể. Cao ủy Về nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã có kế hoạch điều tra thông tin về các mộ chôn tập thể ở Donetsk.
Ukraine trả đũa
Hãng Reuters ngày 30-9 dẫn lời Văn phòng Tổng Công tố Ukraine cho biết đã mở một cuộc điều tra hình sự nhằm vào các quan chức thuộc Ủy ban Điều tra Liên bang Nga với cáo buộc phe ly khai và các nhóm “khủng bố” ở miền Đông Ukraine cũng như “can thiệp phi pháp” vào công việc của các cơ quan hành pháp và lực lượng vũ trang Ukraine. Động thái trên dường như là để trả đũa việc Moscow điều tra hình sự “tội diệt chủng” nêu trên.
Trong khi đó, cựu Phó Thủ tướng Nga Mikhail Kasyanov, hiện là thủ lĩnh Đảng Cộng hòa Nga đối lập, cho rằng lệnh trừng phạt của phương Tây, giá dầu hạ và khủng hoảng kinh tế nói chung đang làm suy yếu chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin.
Theo ông, nguồn tài chính của Kremlin chỉ còn đủ cho nửa năm nữa nếu lệnh trừng phạt được duy trì và giá dầu tiếp tục giảm. Ông Kasyanov nhận định Tổng thống Putin cần phải in thêm tiền để cứu các công ty nhà nước và điều đó sẽ dẫn đến lạm phát, sụt giảm giá trị đồng rúp, mức sống hạ thấp. Ông cho rằng sự sụp đổ sẽ diễn ra sau 1 năm nữa và đề nghị các nước phương Tây không giảm bớt trừng phạt.
Tương tự, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) không dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga. Tại cuộc họp báo ngày 29-9, bà Merkel còn cảnh báo phương Tây phải sẵn sàng đối mặt với tình huống cuộc khủng hoảng Ukraine kéo dài.
Báo Vzglyad đưa tin ủy ban đại diện thường trực các quốc gia EU dự định đánh giá việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn và kế hoạch hòa bình ở Ukraine trong ngày 30-9 để có cơ sở xem xét lại các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Thế nhưng, nhiều nguồn tin cho rằng các đại sứ EU sẽ không hủy bỏ lệnh trừng phạt.
Bình luận (0)