Máy bay không người lái này có tên gọi Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Theo trang web 19fortyfive.com, Bayraktar đã phá hủy ít nhất 32 phương tiện trong cuộc xung đột hiện nay. Máy bay không người lái này nhẹ hơn nhiều so với MQ-9 Reaper của Mỹ.
Bayrakta được mô tả là máy bay không người lái tầm xa, độ cao trung bình, có thể bay lượn trong 24 giờ ở độ cao lên đến hơn 7.500 m. Trang 19fortyfive.com cho biết Ukraine vận hành khoảng 20 máy bay loại này và đang yêu cầu gửi thêm.
Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái có thể là một công cụ đắc lực cho Ukraine. Các đoạn video đăng trên Twitter cho thấy hình ảnh hồng ngoại về các phương tiện chiến đấu của Nga bị nhắm mục tiêu và tấn công. Dù không rõ loại đạn được sử dụng nhưng Bayraktar hoạt động với máy đo khoảng cách laser và khả năng xác định mục tiêu bằng laser.
Máy bay không người lái Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters
Thành công của các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái này đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của hệ thống phòng không Nga. Nga được cho là đang vận hành một số lượng lớn hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-400 di động và một số hệ thống phòng không tầm ngắn khác.
Tuy nhiên, Nga có thể không có đủ hệ thống phòng không để bảo vệ tất cả các đoàn xe và việc chuyển quân. Máy bay không người lái của Ukraine cũng có thể đã thoát khỏi hệ thống phòng không của Nga.
"Rõ ràng cả 2 phe đều có máy bay không người lái nhưng tôi sẽ để họ tự công bố mức độ sử dụng và hiệu quả của chúng" - một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Ukraine nói trong cuộc họp báo ngày 3-2.
Trước đó, vào ngày 2-2, bộ trưởng quốc phòng Ukraine thông báo họ vừa nhận được lô hàng máy bay không người lái có vũ trang. Trong cuộc phỏng vấn với tờ Sabah, Thứ trưởng Bộ ngoại giao Yavuz Selim Kiran nói Kiev mua máy bay không người lái từ Baykar, một công ty vũ khí tư nhân của Thổ Nhĩ Kỳ và nhấn mạnh điều này không đại diện cho một thỏa thuận giữa 2 nước.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng đưa ra phát ngôn tương tự, nhấn mạnh nỗ lực tránh làm mất lòng Moscow của Ankara. Thổ Nhĩ Kỳ là 1 thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), có chung đường biên giới trên biển với Nga và Ukraine và có quan hệ tốt với cả hai.
Dù lên tiếng chỉ trích cuộc tấn công của Nga là "không thể chấp nhận được" nhưng Thổ Nhĩ Kỳ tránh sử dụng lời lẽ gay gắt hơn và phản đối việc áp đặt lệnh trừng phạt.
Bình luận (0)