Những người thân của quan chức này cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng khi lực lượng biểu tình được cho là đang lùng sục họ khắp các ngõ ngách.
Sự việc trên xảy ra hôm 19-2 khi một đám đông gồm khoảng 30.000 người tràn vào các trụ sở cảnh sát trong thành phố Lutsk thuộc vùng Volyn ở phía tây Ukraine. Khi ấy, Thống đốc Aleksandr Bashkalenko tìm cách làm những người biểu tình lấy lại bình tĩnh.
Thế nhưng, các phần tử nổi loạn bắt đầu gào thét: “Quỳ xuống” và sau đó tóm lấy ông, đánh đập từ nhiều phía. Họ dội nước lên người rồi còng tay ông Bashkalenko. Thống đốc Bashkalenko bị ép từ chức nhưng ông từ chối thẳng thừng.
Một số người nói rằng thống đốc bị đưa đến một hầm rượu, giam lỏng cho đến khi ông có dấu hiệu muốn từ chức. Theo một số phương tiện truyền thông, hiện vẫn chưa rõ ông này đang ở đâu. Một nhóm người nổi loạn còn dọa sẽ bắt vợ con thống đốc để ép ông nghe lời.
Những phần tử nổi loạn yêu cầu thống đốc Bashkalenko từ chức nhưng ông từ chối thẳng thừng.
Ảnh: REUTERS
Thống đốc Aleksandr Bashkalenko bị bắt giữ. Nguồn: YouTube
Bạo động tiếp diễn sau khi thỏa thuận ngừng xung đột do Tổng Thống Viktor Yanukovych và các lãnh tụ đối lập công bố trước đó không được cả hai phía tin tưởng thi hành.
Những người biểu tình ném gạch đá và bom xăng tấn công vào cảnh sát lập. Cảnh sát nổ súng chống trả và trong cuộc xung đột hỗn loạn, làm ít nhất 60 người chết chỉ trong ngày 20-2. Con số thương vong chưa thể thống kê chính xác, có nguồn tin cho biết có đến 100 người thiệt mạng trong ngày 20-2. Số người bị thương lên đến gần 600 người. Người biểu tình đang bắt giữ 67 cảnh sát.
Trong khi đó, con số mà Bộ Y tế Ukraine thấp hơn nhiều. Theo họ, tổng cộng 75 người đã chết kể từ chiều 18-2 đến ngày 20-2, tức là có ít nhất 47 người chết trong ngày 20-2.
Trước tình hình đó, Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych tuyên bố với các phái viên của Liên hiệp châu Âu (EU) rằng sẵn sàng tổ chức cuộc bầu cử sớm trong năm nay.
Quảng trường Độc lập vẫn mờ mịt khói lửa... Ảnh: Reuters
...người biểu tình tiếp tục dựng rào chắn. Ảnh: Reuters
Ngày 20-2, Ngoại trưởng Ý Emma Bonino thông báo EU nhất trí áp đặt lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với những người Ukraine “có bàn tay vấy máu”. Tuy nhiên, EU đồng ý cung cấp viện trợ y tế và thị thực cho những người bị thương cũng như những người bất đồng chính kiến.
Còn Washington áp đặt lệnh cấm cấp thị thực đối với 20 quan chức chính phủ Ukraine bị quy kết “phải chịu trách nhiệm về tội vi phạm nhân quyền liên quan đến nỗ lực đàn áp chính trị”. Trong khi đó, Nga công khai chỉ trích các biện pháp trừng phạt của EU và Mỹ làm cho tình hình tồi tệ hơn.
Bình luận (0)