Ngoài ra, vào chiều hôm nay 18-3, Tổng thống Putin sẽ đọc thông điệp liên quan đến việc tiếp nhận Crimea vào thành phần nước Nga.
Kể từ sau ngày 22-2, chế độ thân Nga của ông Viktor Yanukovych sụp đổ, Crimea đã trở thành tâm điểm của cuộc đối đầu Đông - Tây gay gắt nhất kể từ thời chiến tranh lạnh.
Một số khu vực ở miền Đông Ukraine, như Donetsk, cũng đang đòi trưng cầu ý dân về việc sáp nhập Nga.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích chính trị Vitaliy Balla, sự kiện Nga sáp nhập Crimea đã thúc đẩy những người theo chủ nghĩa ôn hòa ở Ukraine đứng về phía thân phương Tây.
Trước tình hình hình đó, các nhà lãnh đạo của Ukraine lúc này có một vài phương cách để có thể khẳng định chủ quyền đối với bán đảo này, đồng thời thắt chặt thêm mối quan hệ với phương Tây. Thế nhưng, thực tế không đơn giản như mong muốn của Kiev.
Cô lập Nga
Các nhà phân tích cho rằng sự chọn lựa trước hết đối với Kiev và các đồng minh phương Tây lúc này là gây áp lực dồn dập lên Moscow với mục đích buộc người Nga đảo ngược chính sách của mình.
Nga hiện đang đối mặt với những đòn trừng phạt mạnh tay nhắm vào uy thế trên trường quốc tế - chiếc ghế trong nhóm G8 đang lung lay và quyền đăng cai World Cup 2018 đang bị mổ xẻ tại thượng viện Mỹ.
Thế nhưng, Nga đã phải hứng chịu một nỗi đau đớn nhất và âm ỉ nhất khi bị đồng minh hàng đầu Trung Quốc bỏ rơi hôm 16-3 vừa qua trong cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về tính hợp pháp của cuộc trưng cầu ý dân ở Crimea.
Tuy nhiên, Kiev đối mặt với một thực tế là áp lực của phương Tây hiện nay chẳng gây ảnh hưởng bao nhiêu đến Tổng thống Putin trong khi lại chứng kiến tỉ lệ ủng hộ ông đạt đến mức cao nhất trong vòng 2 năm qua qua vì đã khơi dậy lòng tự hào yêu nước của người dân Nga.
Can thiệp quân sự
Trong trường hợp Ukraine toan tính dùng vũ lực để giành lại Crimea, Kiev sẽ đối mặt với cuộc đấu giữa David và Goliath.
Sau khi nổ ra vấn đề Crimea, dư luận đã từng so sánh về mối tương quan lực lượng giữa Nga và Ukraine. Quân đội quy ước của Ukraine vào khoảng 130.000 binh sĩ - một nửa số đó được trang bị lạc hậu - chẳng thấm vào đâu so với 845.000 quân của Nga được trang bị vũ khí hạt nhân.
Một vài lời kêu gọi từ phía các nhân vật có quan điểm “diều hâu” ở Mỹ, như thượng nghị sĩ John McCain, về việc trợ giúp quân sự cho Ukraine ít có khả năng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo phương Tây vốn đang buộc phải đối phó với xu hướng đòi tách ra ngày càng tăng lên tại nước họ.
Thế nhưng, Ukraine còn có thể khiến cho Nga trở nên khó chịu khi từ chối rút quân ra khỏi Crimea – một điều có thể khiến Điện Kremlin phải chấp nhận trong khó chịu.
"Bỏ đói" Crimea
Kiev hiện có trong tay một loại vũ khí có uy lực là gây áp lực về kinh tế đối với Crimea.
Bán đảo Crimea là khu vực có cơ sở hạ tầng nghèo nàn, phụ thuộc tất cả vào đất liền, từ nước cho nông dân đến nguồn cung cấp điện và khí đốt cho các gia đình.
Những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Kiev cho rằng phương thức tốt nhất để gây trở ngại cho tham vọng của Nga là “bỏ đói” Crimea qua biện pháp cắt đứt các nguồn cung cấp thiết yếu nhất với hy vọng Nga sẽ không thể bù đắp cho khu vực này.
Tuy nhiên, Nga vẫn có thể đưa ra phản ứng dữ dội trước bất cứ bước đi nào của Ukraine, bao gồm việc tăng thuế suất nhập khẩu từ Ukraine và tăng giá khí đốt thiên nhiên đối với người tiêu dùng Ukraine.
Tăng cường quan hệ với phương Tây
Cuộc khủng hoảng ở Crimea càng khiến cho chính quyền mới ở Kiev quyết tâm thoát khỏi quỹ đạo của Điện Kremlin và đặt quốc gia 46 triệu dân này vào tầm ảnh hưởng của phương Tây, nhất là khi cả Mỹ lẫn Liên minh châu Âu (EU) đều đang đẩy mạnh sự hỗ trợ về tài chính và ủng hộ về chính trị dành cho nước này.
Dự kiến, vào ngày 21-3 tới, EU và Ukraine sẽ ký kết một phần hiệp định liên kết đã bị chính quyền cũ đã bác bỏ hồi tháng 11-2013. Đồng thời, các cường quốc phương Tây cũng đang bàn về gói cứu trợ cho Ukraine.
Xem ra Kiev sẽ phải chấp nhận thức tế đang diễn ra dù với một nỗi đau không thể nguôi ngoai!
Bình luận (0)