Venezuela đang thiếu hụt nhu yếu phẩm trầm trọng sau khi giá dầu sụt giảm mạnh ảnh hưởng đến thu nhập của đất nước.
Theo truyền thông Jamaica, số thực phẩm có giá trị khoảng 3 triệu USD sẽ được chuyển cho Venezuela để thanh toán một phần tiền mua dầu từ năm 2006. Bên cạnh đó, 1 triệu USD sẽ được Jamaica quyên tặng cho Bộ Khoa học, Năng lượng và Công nghệ Venezuela.
Số tiền và hàng này được cho là sẽ giúp Venezuela bớt khó khăn phần nào giữa lúc có nhận định quốc gia này đang trên bờ vực sụp đổ kinh tế và chính trị.
Người dân nước này xếp hàng hàng giờ để mua thực phẩm và nhu yếu phẩm trong khi lạm phát tràn lan. Thậm chí, không ít người dân tràn qua biên giới Colombia để mua hàng hóa. Ngoài ra, có thông tin rằng khoảng 50 con thú ở thảo cầm viên thủ đô Caracas chết đói vì nhân viên buộc phải cắt giảm đáng kể khẩu phần của chúng.
Người dân Venezuela xếp hàng bên ngoài siêu thị ở thủ đô Caracas. Ảnh: REUTERS
Wilfredo Cardona, 25 tuổi, một công nhân xây dựng, kiếm được khoảng 40.000 bolivar/tháng. Thế nhưng số tiền đó không giúp được gì mấy vì anh không tìm được thứ gì ngoài xà phòng. “Tất cả những gì tôi thấy là xà phòng nhưng tôi không thể ăn xà phòng mà sống được” – anh Wilfredo bức xúc. Theo đài CNN, những ai muốn mua bột mì, mì ống và sữa phải có rất nhiều tiền và các mối quan hệ.
Chỉ riêng giá sữa bột ở thị trường chợ đen bị đội giá lên gấp 100 lần so với giá chính thức. Còn bột ngô đắt gấp 15 lần giá thực. Phóng viên đài CNN mua một túi mì ống 1 kg với giá nhiều hơn 200 lần giá chính thức tại Caracas. Điều đó có nghĩa là mua 1 túi bột mì, mì ống và sữa, người dân sẽ tiêu sạch 1 tháng lương (từ 15.000 đến 20.000 bolivar, tương đương từ 33,6 đến 44 triệu đồng).
Đắt vậy nên nhiều người đành phải xếp hàng giờ ở siêu thị để mua thực phẩm. Những ai không đủ kiên nhẫn hoặc thời gian phải bấm bụng mua ở thị trường chợ đen dù biết là bất hợp pháp.
Tình hình khó khăn này không phải chỉ mới xảy ra gần đây. Hồi tháng 6, hơn 400 người xuống đường tại thủ đô Caracas hô vang: “Chúng tôi muốn thực phẩm”. Ít nhất 20 doanh nghiệp bị cướp phá dữ dội và người dân giận dữ còn đốt cháy rụi hình nộm của Tổng thống Nicolas Maduro.
Ông Maduro cho đến giờ vẫn đổ lỗi cho Mỹ vì gây ra “cuộc chiến kinh tế”, dẫn đến tình hình khó khăn của nước này hiện nay. Nhà lãnh đạo này cũng cho tiến hành một số biện pháp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhưng nhiều người cảm thấy ông chưa làm hết sức.
Bình luận (0)