Trong khuôn khổ tham dự các hoạt động tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ, sáng 19-1 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu tại phiên thảo luận “Tương lai nền sản xuất dưới góc độ chiến lược khu vực”.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Thủ tướng nhìn nhận Việt Nam hiểu rằng không thể tiếp tục dựa vào các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt và nguồn lao động rẻ để phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nên đang tập trung vào một số định hướng. Đó là đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển các ngành có giá trị gia tăng cao, ứng dụng khoa học - công nghệ và sử dụng lao động chất lượng cao, đồng thời tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự phiên thảo luận “Tương lai nền sản xuất dưới góc độ chiến lược khu vực” Ảnh: VGP
Cùng với đó là đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của hệ thống đổi mới quốc gia; xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp Việt Nam bảo đảm quyền tự do kinh doanh và nỗ lực tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ đổi mới, sáng tạo; đẩy mạnh hội nhập quốc tế để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo ở trong nước.
Sáng cùng ngày, theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ, đối thoại với các tập đoàn thành viên WEF trong lĩnh vực công nghệ thông tin và một số lĩnh vực liên quan. “Chúng tôi đang phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam sẽ nằm trong Top 10 thế giới về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số với khoảng 1 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin” - Thủ tướng nêu rõ và hoan nghênh các tập đoàn nước ngoài đến với Việt Nam cùng hợp tác, cùng chia sẻ lợi ích, cùng thịnh vượng. Thủ tướng cũng có cuộc trao đổi, giải đáp một cách cởi mở các vấn đề mà các doanh nghiệp quan tâm.
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Roberto Azevedo, Chủ tịch Tập đoàn Alibaba Jack Ma. Trước đó, vào chiều 18-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến Thủ tướng Áo Christian Kern, làm việc với Chủ tịch WEF Klaus Schwab, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Tahehiko Nakao, Chủ tịch Tập đoàn Microsoft Bradford Smith, dự buổi đối thoại với một số tập đoàn lớn và gặp gỡ các hãng thông tấn báo chí hàng đầu.
Tại cuộc gặp làm việc với Chủ tịch WEF Klaus Schwab, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị WEF duy trì tổ chức Hội nghị WEF Mê Kông; hỗ trợ Việt Nam kết nối với các tập đoàn và chuyên gia hàng đầu của WEF, tư vấn chính sách trong lĩnh vực năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển nông nghiệp công nghệ cao... Sau buổi gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Chủ tịch Klaus Schwab dự lễ ký Thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và WEF về phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cường trước tương lai. Việt Nam là nước đầu tiên mà WEF ký thỏa thuận hợp tác theo mô hình đối tác công - tư (PPP) và mong muốn đây là một “mẫu hình” để triển khai với các nước khác sau này.
Tại cuộc gặp gỡ, đối thoại với các tập đoàn thành viên WEF trong lĩnh vực tài chính, Thủ tướng mong muốn chào đón nhóm chuyên gia soạn thảo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của WEF đến Việt Nam để tăng cường trao đổi thông tin và hiểu biết lẫn nhau giữa WEF và Việt Nam kỹ hơn. Phát biểu tại cuộc đối thoại, Giám đốc điều hành WEF Philipp Roesler nhấn mạnh thông qua thỏa thuận hợp tác theo mô hình PPP đã ký kết, WEF sẽ hỗ trợ cho Việt Nam trong tất cả các ngành cần thiết để đưa Việt Nam vào kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Bình luận (0)