Thời điểm hải quân Trung Quốc cho chạy thử tàu khu trục Lan Châu trang bị hệ thống tên lửa điều khiển có thể tấn công đồng thời các mục tiêu trên đất liền, trên không và trên biển là vào tháng 6-2005.
Khác với các tàu khu trục lớp Lộ Dương I, tàu Lan Châu có giàn radar định pha, hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng, tên lửa tầm xa và hệ thống chỉ huy kiểm soát, nghĩa là giống y chang hệ thống chiến đấu Aegis của Mỹ. Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc làm thế nào để đạt được trình độ đó trong một thời gian ngắn?
Lấy của người làm của ta
Sau sự kiện tàu Lan Châu vài ngày, nhật báo Mỹ The Washington Times (WT) dẫn lời một quan chức ngành hải quan và di trú (ICE) Mỹ báo động “công nghệ ăn cắp của Trung Quốc đang gia tăng theo đường xuất khẩu”. Phương thức ăn cắp phổ biến nhất là thông qua một nước thứ ba nhập khẩu công nghệ tiên tiến của Mỹ.
Việc ăn cắp này không mấy khó khăn nhờ lòng tham của các doanh nghiệp Mỹ như nhận định của ICE: “Một số công ty Mỹ quan tâm đến lợi nhuận hơn là bảo vệ an ninh quốc gia”. 6.000 công ty Mỹ nằm trong tầm ngắm của Trung Quốc nhằm ăn cắp công nghệ và thiết bị Mỹ qua đường xuất khẩu.
Trung Quốc chủ trương đi tắt bằng chiêu “lấy của người làm của ta”. Chiêu này bao gồm tình báo công nghiệp và nhập khẩu bất hợp pháp công nghệ tiên tiến của Mỹ và châu Âu. Mỹ là nước có nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến nhất thế giới nên quân đội Trung Quốc nhắm vào nước này là lẽ đương nhiên.
Phạm vi ăn cắp công nghệ quốc phòng Mỹ rất rộng. Tờ WT cho biết Trung Quốc đã mua được một cách trái phép hoặc bị bắt quả tang ăn cắp công nghệ dạ thị (nhìn xuyên bóng đêm), linh kiện điện tử quân dụng, linh kiện tên lửa điều khiển chính xác, phần mềm tin học phát triển tên lửa...
Trung Quốc từng tìm cách mua linh kiện máy bay cường kích F-4 và F-5, tên lửa Hawk mà Mỹ cung cấp cho Iran bằng đường biển. ICE cho biết vụ xuất khẩu trái phép nghiêm trọng nhất công nghệ bí mật của Mỹ cho Trung Quốc xảy ra hồi cuối thập niên 1990. Trong vụ này, FBI (Cảnh sát Liên bang Mỹ) đã phá vỡ một ổ gián điệp Trung Quốc ở Los Angeles thu thập thông tin chi tiết hệ thống chiến đấu Aegis trang bị cho các tàu khu trục và tuần dương hiện đại nhất của Mỹ.
Vụ án gián điệp trên được tường thuật chi tiết hồi tháng 10-2005, tức sau sự kiện Lan Châu 4 tháng, phần nào đã giải đáp được câu hỏi nhờ đâu hải quân Trung Quốc sớm có được phiên bản hệ thống chiến đấu Aegis của Mỹ.
Ổ gián điệp gia đình
Nhân vật chính trong vụ án là Chi Mak, kỹ sư điện người Mỹ gốc Hoa làm việc ở Công ty Power Paragon, chi nhánh của Tập đoàn Power Systems, ở Anaheim, bang California, chuyên nhận thầu các hợp đồng quân sự.
Chi được phép tiếp cận các tài liệu đã được giải mật nhưng không được phép tiết lộ ra nước ngoài và tham gia thực hiện hơn 200 hợp đồng quân sự và quốc phòng Mỹ. Chi từng làm việc trên tàu sân bay USS Stennis và có 15 năm công tác trong ngành chế tạo các hệ thống vũ khí hiện đại của Mỹ, bao gồm tàu ngầm và tàu chiến.
Ổ gián điệp của Chi Mak là một cơ sở gia đình của Cục 2 (Tình báo) Giải phóng quân Trung Quốc. Cơ sở này có 4 thành viên là Chi Mak, Rebecca Laiwah Chiu (vợ Chi), Tai Wang Mak (em trai Chi) và Fuk Heung Li (vợ Tai). Chi có nhiệm vụ thu thập thông tin mật tại cơ quan đem về nhà sao chép vào CD đưa cho Tai, giám đốc kỹ thuật và phát sóng đài truyền hình tiếng Hoa Phoenix Bắc Mỹ tại Mỹ. Tai mã hóa các CD rồi cùng với vợ đem giao cho Cục 2 qua nhiều ngả khác nhau.
Ngày 3-11-2005, vợ chồng Tai bị đặc vụ FBI bắt tại sân bay Los Angeles khi mang 3 CD mã hóa thông tin công nghệ tàu ngầm Mỹ trong lúc chờ chuyến bay đến Hồng Kông rồi sau đó đi Quảng Châu bằng đường bộ.
Tàu khu trục Lan Châu trang bị phiên bản Aegis Trung Quốc. Ảnh: PLA
Cùng ngày, Chi và vợ cũng bị bắt tại nhà riêng với tang chứng là hàng trăm ngàn trang tài liệu và dữ liệu máy tính, trong đó có dữ liệu nhạy cảm về hệ thống chiến đấu Aegis và tàu chiến tàng hình thế hệ mới của Mỹ. FBI còn phát hiện trong giỏ rác phòng làm việc của họ Chi một số giấy tờ được cho là chỉ thị của cấp trên chú ý nhiều hơn nữa công nghệ phóng tên lửa, công nghệ điện tử trên tàu sân bay và công nghệ ngư lôi.
Tất cả 4 người kể trên đều bị truy tố về tội ăn cắp tài sản Chính phủ Mỹ và sau đó được nâng lên thành vụ án gián điệp. Danh sách khí tài bị ổ gián điệp họ Chi ăn cắp thông tin mật hoặc nhạy cảm bao gồm hệ thống chiến đấu Aegis, hệ thống vũ khí tàu sân bay, hệ thống QED chân vịt không tiếng động của tàu ngầm, vũ khí xung điện từ và máy bay không người lái.
Một quan chức FBI than thở trên tờ WT: “Trung Quốc biết về quân đội chúng ta nhiều hơn những gì ta biết về nước này”. Ngày 24-3-2008, Chi Mak bị tuyên án 24 năm 6 tháng tù.
Kỳ tới: Từ J-20 đến tàu sân bay Thi Lang
Bình luận (0)