xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bà Trần Tố Nga: Ngã, đứng dậy và đi tiếp!

VÕ TRUNG DUNG (từ Cộng hòa Pháp)

Công lý! Đó là lý do và động lực để Trần Tố Nga - người phụ nữ thân mang đầy bệnh, tuổi xấp xỉ ngưỡng 80 - dấn thân trên con đường đấu tranh thay vì sống vui bên con cháu

Mưa phùn, thời tiết đỏng đảnh vẫn phủ lên những ngày tháng 5 này của Paris. Ngày hôm nay, 15-5, bà Trần Tố Nga dẫn đầu một cuộc tuần hành giữa thủ đô nước Pháp. Hàng ngàn người sẽ theo chân bà tới Quảng trường Cộng hòa, đại diện cho các nạn nhân chất độc da cam, chống lại các tập đoàn hóa chất toàn cầu, chống lại những cuộc "thảm sát môi trường" bằng hóa chất nông nghiệp.

"Tới hơi thở cuối cùng"

Không có gì có thể làm chùn bước người phụ nữ kiên cường này. Có lẽ không gì ngoài cái chết. "Chúng ta cùng đi nhé!" - bà nói với tôi trước cuộc tuần hành.

Ngày 10-5 vừa qua, tòa sơ thẩm TP Evry, vùng ngoại ô phía Nam thủ đô Paris, đã ra phán quyết về vụ kiện da cam như sau: "(Tòa) không có thẩm quyền xét xử (liên quan tới hành động của chính phủ Mỹ" với lý do "các công ty cung cấp hóa chất chỉ tuân thủ sắc lệnh của chính phủ". Mặc dù đã nghĩ tới khả năng này, bà Trần Tố Nga, các cá nhân và các tổ chức ủng hộ, đội ngũ luật sư vẫn không giấu được sự thất vọng. Bà Tố Nga chia sẻ: "Cuộc chiến pháp lý chưa kết thúc đâu. Con đường còn dài và tôi sẽ đi tới cùng, tới hơi thở cuối cùng!".

Đây là phán quyết đầu tiên trong quá trình đi tìm công lý bắt đầu từ năm 2011 của bà Trần Tố Nga - công dân Pháp gốc Việt, nạn nhân chất độc da cam thời chiến tranh Việt Nam. Với tư cách là bị hại trực tiếp, bà yêu cầu 19 công ty hóa chất - nhập lại còn 14 tập đoàn đa quốc gia - bồi thường cho những thiệt hại cá nhân và gia đình. Ngay sau khi nhận phán quyết, bà Trần Tố Nga đã quyết định tiếp tục cuộc tranh đấu pháp lý ở tòa án phúc thẩm.

Theo đội ngũ luật sư của bà Tố Nga, luật pháp là khung cho con người phán xét, làm ra và được quyết định bởi con người. Khung pháp lý chặt chẽ nhưng vẫn có đất cho sự "diễn giải" trong những trường hợp khúc mắc về trách nhiệm mà vụ án da cam là một điển hình. Một trong ba luật sư đại diện cho bà Tố Nga, bà Amélie Lefèvre, nhấn mạnh: "Phán quyết này cho thấy tòa án đã áp dụng một định nghĩa lỗi thời và hạn hẹp về nguyên tắc miễn trừ tài phán. Tôi có nhiều hy vọng là hội đồng xét xử của tòa phúc thẩm sẽ có cái nhìn tiến bộ và rộng hơn về pháp lý".

Bà Trần Tố Nga: Ngã, đứng dậy và đi tiếp! - Ảnh 1.

Bà Trần Tố Nga tại cuộc họp báo ngày 11-5 ở Paris, một ngày sau khi tòa án TP Evry bác vụ kiện của bà nhằm vào các công ty hóa chất đa quốc gia Ảnh: REUTERS

Mười năm - hành trình chưa kết thúc

Cuộc đấu tranh pháp lý hiện nay xuất phát từ những tờ kết quả xét nghiệm y tế cách đây hơn 10 năm của bà Trần Tố Nga ở Pháp: Tiểu đường loại 2, ung thư, hệ đề kháng suy giảm bất thường và nhiều bệnh chứng khác. Đây có phải là những căn bệnh "bình thường" của người ở độ tuổi gần 70? Câu trả lời của các bác sĩ và chuyên gia là không, "không bình thường", dù họ không thể quy ra lý do chính xác.

Đầu năm 2011, được Hiệp hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (VAVA) tư vấn, bà Tố Nga gửi 80cc mẫu máu của mình đến phòng xét nghiệm Eurofins GFA ở CHLB Đức, một trong những phòng xét nghiệm quốc tế y học và sinh học được tòa án công nhận. Và kết quả đã đến sau 2 tuần. Bà Tố Nga nhớ lại: "Trên những tờ giấy đó là những con số in đậm, nhiều lắm. Lúc đó tôi không hiểu gì ngoại trừ một điều: Có sự bất thường trong máu của tôi!".

Những thông số này cho thấy cơ thể của bà Tố Nga chứa nhiều dioxin hơn mức trung bình. Đây là một hậu quả của việc bị nhiễm chất độc da cam? Có thể vậy, hay đúng hơn là đã xảy ra! Trong những năm chiến tranh, với tư cách là phóng viên của Thông tấn xã Mặt trận giải phóng, bà tham gia hành trình từ Bắc vào Nam, theo đường Trường Sơn và có nhiều năm hoạt động ở các chiến khu miền Nam, nơi mà năm 1968, Việt Hải - con gái đầu lòng của bà - đã mất khi mới 17 tháng tuổi do tứ chứng Fallot, một bệnh tim bẩm sinh ở hệ thống mạch.

Một người cho hàng triệu người

Từ những tờ giấy xét nghiệm qua hành động thực tế chỉ có vài bước nhưng là những bước kiên trì. Với sự trợ giúp của các tổ chức phi chính phủ, hội bảo vệ môi trường ở Pháp cùng các cá nhân ở nhiều nước, bà Tố Nga kiên nhẫn thu thập hàng ngàn tài liệu, chứng cứ cho hồ sơ pháp lý của mình.

Năm 2014, với sự hỗ trợ miễn phí của luật sư nổi tiếng William Bourdon (và cộng sự), người đã đại diện cho các nạn nhân của cựu Tổng thống độc tài Augusto Pinochet của Chile, nạn nhân của thảm sát diệt chủng ở Rwanda, bà Tố Nga đệ đơn ở tòa sơ thẩm TP Evry, nơi bà cư trú. Đó là điểm khởi đầu của vụ kiện dân sự chống lại các công ty hóa chất đã cung cấp chất độc da cam cho quân đội Mỹ. Cơ sở của phía bà Tố Nga là bộ luật "Quyền tài phán phổ quát" có hiệu lực ở Pháp từ năm 2010 và ở vài nước khác như Canada, Tây Ban Nha. Bộ luật này cho phép tòa án sở tại truy tố bất cứ cá nhân, tổ chức nào, ở bất cứ đâu trên thế giới, vì lý do phạm tội chiến tranh theo công ước quốc tế, diệt chủng, phá hủy môi trường có ảnh hưởng tới loài người.

Luật là một chuyện, con đường pháp lý đầy chông gai là chuyện khác. Trong 6 năm, có 15 phiên tòa điều tra đã diễn ra, trước khi tới phiên tòa kết thúc vào tháng 1 vừa qua. Các bị đơn đầy tài lực đã làm tất cả để ngăn cản vụ án, với các "mẹo" quy trình pháp lý để kéo dài, làm cạn kiệt nguồn lực và ý chí của bà Tố Nga. Họ thậm chí dùng đến tiền để trao đổi sự im lặng.

"Nếu họ nghĩ rằng tôi kiện vì tiền thì đúng là họ không hiểu gì hết! Vụ kiện mang tên tôi, vì tôi là công dân Pháp, tôi có quyền kiện ở đây. Nhưng qua tôi là tất cả nạn nhân chất độc da cam, bất kể ở đâu. Tôi đòi công lý cho tất cả nạn nhân. Công lý, chỉ có hai chữ đó!" - bà Tố Nga chia sẻ.

Công lý! Đó là lý do và động lực của người phụ nữ thân mang đầy bệnh, tuổi xấp xỉ ngưỡng 80 dấn thân trên con đường đấu tranh. Thay vì yên ổn, sống vui với gia đình con cháu, bà trở thành biểu tượng của hàng triệu nạn nhân và mang trên vai mình tiếng nói của họ. Hơn nữa, cuộc tranh đấu này không dừng ở con người mà bao gồm cả môi trường bị thảm hại với những hệ quả lâu dài, như các nạn nhân gánh chịu từ thế hệ này qua thế hệ khác. Bà Tố Nga nhấn mạnh: "Thiệt hại môi trường, hệ sinh thái bởi chất độc da cam cũng quan trọng không kém những hệ quả ở con người. Có thể nói là quan trọng hơn vì điều này ảnh hưởng đến tất cả những người sống trên mảnh đất đó, bất kể họ có phải là nạn nhân trực tiếp hay không". 

Hệ thống tư pháp của Pháp

Nước Pháp có 3 cấp tòa án: Tòa án sơ thẩm, Tòa án phúc thẩm và Tòa phá án (tương đương với Tòa án Tối cao). Riêng Tòa sơ thẩm có hai cấp bậc phụ là "thẩm quyền hẹp" cho những bản án nhỏ (tranh chấp vật chất, hợp đồng buôn bán, thiệt hại không cao...) và "thẩm quyền rộng" cho những bản án nghiêm trọng (giết người hay vụ kiện chất độc da cam). Tất cả cấp bậc tòa án đều có thẩm quyền xét xử mọi án vụ, từ tranh chấp hợp đồng lao động cho tới hình sự và tội phạm diệt chủng toàn cầu. Sau những tòa án này, ở cấp cao hơn là Tòa án Hiến pháp quốc gia, các tòa án của Liên minh châu Âu có thẩm quyền xét xử chính sách và hệ thống pháp lý của các nước thành viên.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo