Ngày 1-8, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho biết: "Chúng tôi cực kỳ thất vọng khi chính phủ Nga thực hiện bước đi này bất chấp các yêu cầu rất rõ ràng và hợp pháp của chúng tôi – cả công khai lẫn riêng tư - rằng Snowden phải bị trục xuất về Mỹ để đối mặt với các cáo buộc”.
Nhà Trắng còn dọa có thể Tổng thống Barack Obama sẽ không dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G-20), dự kiến diễn ra tại Moscow vào tháng 9 tới. Thậm chí, một quan chức giấu tên của Mỹ cho hay các cuộc thảo luận cấp cao giữa Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel với những người đồng cấp Nga “chưa chắc chắn” sẽ diễn ra vào tuần tới như kế hoạch.
Luật sư Anatoly Kucheren "khoe" giấy chứng nhận tị nạn của Snowden. Ảnh: BBC
Trong một tuyên bố trên trang WikiLeaks, Snowden cảm ơn nước Nga, đồng thời cáo buộc chính phủ Mỹ “không tôn trọng" luật pháp quốc tế.
Trong khi đó, kết quả thăm dò dư luận do Đại học Quinnipiac ở bang Connecticut tiến hành từ ngày 28 đến 31-7 cho thấy 55% số người được hỏi xem Snowden là người tố giác chứ không phải kẻ phản bội. Cuộc thăm dò có 1.468 cử tri đăng ký. Tuy nhiên, Trợ lý Giám đốc Viện thăm dò của Đại học Quinnipiac, ông Peter Brown, lưu ý cuộc thăm dò diễn ra trước khi Snowden được chấp nhận tị nạn ở Nga. |
Cả ông Carney và phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ Marie Harf đều khẳng định Nga không báo trước với Mỹ về quyết định cho Snowden tị nạn tạm thời.
Giới làm luật Mỹ còn tức giận hơn. Cũng trong ngày 1-8, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Robert Menendez, cảnh báo quyết định của Nga là "một sự thụt lùi" trong quan hệ song phương.
Cùng ngày, Thượng nghị sĩ Mỹ Chuck Schumer hối thúc Tổng thống Obama "phản đòn" bằng cách đề nghị chuyển hội nghị thượng đỉnh G-20 ra khỏi Nga. Trong một thông cáo, ông Schumer nhấn mạnh: " Nga đã đâm sau lưng chúng ta và mỗi ngày Snowden được tự do lại xoáy sâu thêm vào vết thương ấy”. Đồng quan điểm, thượng nghị sĩ nổi tiếng của Đảng Cộng hòa, ông John McCain, nhận xét động thái của Nga là “cái tát vào mặt người Mỹ”.
Tuy nhiên, Nga lâu nay vẫn kiên quyết giảm nhẹ tầm quan trọng của vụ việc và khẳng định quan hệ song phương sẽ không bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, các bài viết dựa trên những tiết lộ của Snowden vẫn tiếp tục xuất hiện. Tờ Guaridan của Anh ngảy 1-8 đưa tin chính phủ Mỹ đã trả ít nhất 150 triệu USD cho cơ quan tình báo GCHQ của Anh để được tiếp cận các chương trình tình báo.
Truyền hình Nga quay được cảnh Snowden rời sân bay. Ảnh: Reuters
Luật sư Anatoly Kucheren, người hỗ trợ Snowden, cho hay "người thổi còi" đã tìm được chỗ ở tại nhà của một người Mỹ sau khi rời sân bay Sheremetyevo. Tiếp đó, Snowden sẽ thuê nhà và tìm việc làm. "Snowden là một chuyên gia có trình độ cao và tôi nhận được nhiều lời mời anh ấy làm việc từ các công ty cũng như cá nhân" - ông Kurechen nói.
Snowden đã được Pavel Durov - nhà đồng sáng lập mạng xã hội "Vkontakle", được mệnh danh là Facebook của Nga - mời về làm việc. Mới 28 tuổi, Durov viết trên trang cá nhân: "Chúng tôi mời Edward đến Petersburg và sẽ rất vui nếu anh ấy đồng ý gia nhập đội ngũ lập trình của VKontakte".
Trong khi đó, luật sư Kucheren cho biết thêm: "Edward hứa với tôi là sẽ không tiết lộ thông tin nào có thể gây hại cho chính phủ Mỹ nữa. Tuy nhiên, anh ấy không thể lấy lại những tài liệu đã trao cho các phóng viên khi còn ở Hồng Kông". Ngoài ra, ông Kucheren nói lời hứa của Snowden cũng không có tác dụng với WikiLeaks. Theo lời luật sư, Snowden trao khá nhiều tài liệu cho trang web trên.
Bình luận (0)