Quỹ từ thiện này sẽ chỉ chấp nhận tiền quyên tặng trực tiếp từ chính phủ 6 nước Úc, Canada, Đức, Hà Lan, Na Uy và Anh. Những chính phủ khác có thể đóng góp thông qua Sáng kiến Toàn cầu Clinton (CGI), một chương trình khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức phi lợi nhuận và quan chức chính phủ tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề toàn cầu.
Bà Hillary Clinton (giữa) cùng chồng và con gái tại một hội nghị
của Sáng kiến Toàn cầu Clinton tại TP Tempe, bang Arizona - Mỹ hồi tháng 3 Ảnh: REUTERS
Các chuyên gia về đạo đức kêu gọi BHCCF tạm ngưng nhận tiền của nước ngoài trong thời gian bà Clinton tranh cử vì cho rằng hành động này tạo ra xung đột lợi ích cho cựu ngoại trưởng Mỹ. Động thái trên có thể khiến bà Clinton đối mặt thêm chỉ trích về mối quan hệ giữa BHCCF và các chính phủ nước ngoài, ngay cả khi bà đã “rút chân” khỏi hội đồng quản trị của quỹ. Trong nỗ lực chứng tỏ sự minh bạch, BHCCF sẽ bắt đầu công bố danh sách nhà tài trợ theo từng quý, thay vì mỗi năm.
Kết quả phân tích của hãng tin AP cho thấy các chính phủ và cơ quan từ 16 nước, vùng lãnh thổ đã tặng trực tiếp cho BHCCF từ 55-130 triệu USD trong giai đoạn 2001-2015. Có người chỉ trích quỹ đã nhận tiền từ một số chính phủ Trung Đông bị tố cáo đàn áp người bất đồng chính kiến và vi phạm quyền phụ nữ.
Tranh cãi còn đến từ danh sách 6 nhà tài trợ trực tiếp kể trên. Chẳng hạn, Bộ Ngoại giao, Thương mại Quốc tế và Phát triển Canada (DFATD) đã tặng BHCCF từ 250.000-500.000 USD trong khi chính bộ này đang thúc đẩy Washington thông qua dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL, vốn bị chỉ trích là có thể làm tăng khí thải carbon. Để trấn an các nhà hoạt động môi trường, đại diện BHCCF khẳng định họ không liên quan gì đến Keystone XL và cam kết đang có một “chương trình mạnh mẽ” để chống biến đổi khí hậu.
Bình luận (0)