xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

4.000 tấn cá tồn kho, doanh nghiệp lao đao

Minh Tuấn - Quang Nhật

Các doanh nghiệp tại miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường đang chờ hướng giải quyết của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hàng ngàn tấn cá biển tồn kho

Toàn tỉnh Quảng Bình hiện có 7 kho đông lạnh của nhiều doanh nghiệp (DN) dịch vụ hậu cần nghề cá tại cảng Sông Gianh (huyện Bố Trạch) và Nhật Lệ (TP Đồng Hới). Đây là những đầu mối thu mua hầu hết hải sản của ngư dân đánh bắt xa bờ, sau đó chế biến đưa ra thị trường trong và ngoài nước tiêu thụ.

Doanh nghiệp tự cứu

Các DN thu mua cá trên địa bàn Quảng Bình phản ánh tính đến thời điểm này, trong kho của họ còn gần 2.000 tấn cá, trong tổng số khoảng 4.000 tấn cá tồn đọng tại 4 tỉnh miền Trung.


Doanh nghiệp lao đao vì còn hàng trăm tấn cá không thể đưa ra thị trường tiêu thụẢnh: QUANG NHẬT

Doanh nghiệp lao đao vì còn hàng trăm tấn cá không thể đưa ra thị trường tiêu thụẢnh: QUANG NHẬT

Bà Trương Thị Mười, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đức Hiếu (TP Đồng Hới), đánh giá số cá tồn kho trên trị giá khoảng 100 tỉ đồng. “Các DN cố gắng lắm cũng chỉ tiêu thụ được 50%. Nếu xuất khẩu được cũng chỉ có một số loại như cá ngừ, cá thu, cá bạc má, cá nục… Những loại cá khác chẳng ai muốn mua” - bà Mười nói.

Trong lúc chờ lãnh đạo tỉnh Quảng Bình tìm kiếm giải pháp tháo gỡ, nhiều DN phải tự cứu bằng cách “bắt mối” với các DN Hàn Quốc chế biến chả cá xuất khẩu. Thế nhưng, mặt hàng này giá rất thấp, phải chịu lỗ vốn nhưng đó là cách duy nhất để xử lý số cá tồn đọng.

Tại huyện Bố Trạch, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Chung Thảo, bà Nguyễn Ánh Hồng, cho biết trong kho của DN này còn tồn hơn 300 tấn cá. “Cá tồn kho đều là cá sạch được chúng tôi thu mua từ các tàu đánh bắt xa khơi nhưng cũng không thể bán được. Tình trạng này kéo dài thì công ty sẽ phá sản. Chúng tôi muốn các cơ quan chức năng của tỉnh sớm vào cuộc để tháo gỡ vướng mắc giúp DN qua cơn bĩ cực này” - bà Hồng nói.

Cùng chung nỗi lo phá sản, ông Trần Văn Châu, chủ cơ sở kho đông lạnh và sản xuất nước đá Tám Thế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), kể: Từ thời điểm cá biển chết, cơ sở của ông vay ngân hàng hơn 6 tỉ đồng với lãi suất 7%/năm để mua hải sản. Đến nay, cơ sở còn tồn 450 tấn cá. “Bình quân mỗi tháng, cơ sở của tôi phải trả 37 triệu đồng tiền điện để bảo quản cá trong kho đông lạnh. Ngoài ra, tiền trả lãi cho khoản vay ngân hàng khá nặng. Cũng có một số thương lái đến hỏi mua cá nhưng sau khi biết cơ sở mua cá trong thời gian biển bị ô nhiễm thì bỏ đi” - ông Châu buồn bã.

Theo các chủ DN, lượng cá đang tồn kho của họ đều được Chi cục Thủy sản - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp giấy chứng nhận an toàn vì đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, các thương lái đều không muốn mua vì e ngại cá bị nhiễm độc.

Lại tiếp tục... chờ

Trao đổi về vấn đề trên, ông Mai Văn Minh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Đánh giá thiệt hại môi trường biển tỉnh Quảng Bình, cho rằng vấn đề xử lý lượng cá tồn đọng như thế nào phải chờ chủ trương của Bộ NN-PTNT và bộ này cũng đã kiến nghị với Chính phủ.

“DN hiện đang kêu ca về vấn đề này nhưng chúng tôi phải chờ phương án giải quyết từ bộ, sau đó lấy ý kiến thống nhất giữa 4 tỉnh mới xử lý được. Bộ NN-PTNT đã thống nhất bổ sung thêm DN kinh doanh hải sản có hàng tồn kho được hưởng đền bù trong số 500 triệu USD bồi thường của Formosa” - ông Minh khẳng định.

Theo ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, tâm lý người dân vẫn ngại ăn hải sản nên mới có việc tồn kho lượng cá lớn như vậy. “Hiện chúng tôi đang thống kê thiệt hại để đền bù cho ngư dân và cả những DN không bán được cá khi có tiền chi trả từ Formosa. Tỉnh đã làm hết sức, giờ chỉ mong các bộ sớm có kết luận và công bố cá đã ăn được chưa mới có thể giải quyết khó khăn cho ngư dân và DN” - ông Hoài đề nghị. Ông Hoài cho biết Quảng Bình là tỉnh đầu tiên hỗ trợ các đại lý thu mua cá với tổng số tiền gần 26 tỉ đồng để giúp họ bù đắp phần nào thiệt hại.

Đề nghị ngân hàng hỗ trợ ngư dân

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động liên quan đến 4.000 tấn hải sản ở miền Trung còn tồn kho, tại cuộc họp báo của Chính phủ vào chiều 31-8, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế phối hợp với Bộ NN-PTNT giải quyết. Bộ Y tế đã phân lô kho hải sản tại 4 tỉnh miền Trung, lấy mẫu đưa về 2 trung tâm kiểm nghiệm quốc gia xét nghiệm.

Lý giải về việc mấy ngày gần đây có thông tin một số ngân hàng từ chối cho ngư dân vay vốn đóng tàu, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết một số chủ tàu bị từ chối cho vay bởi trong quá trình đánh giá, thẩm tra nhận thấy do thiệt hại, tác động của môi trường biển nên khả năng thu hồi vốn không khả thi. Ngay sau đó, Phó Thống đốc cùng Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn lập tức đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cơ chế chính sách để hỗ trợ người dân ra khơi.

N.Dung

An toàn mới được đưa ra thị trường

Ông Hồ Sỹ Nguyên, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết đã thành lập tổ chuyên môn đóng tại cảng cá để xác nhận hải sản an toàn trước khi cung cấp cho người dân. Tất cả lượng hải sản ở kho đông lạnh sẽ được xét nghiệm, bảo đảm an toàn mới cho phép đưa ra thị trường.

“Chưa thể cho phép tiêu thụ khi chưa kiểm nghiệm vì không biết nguồn gốc cá được đánh bắt, thời điểm thu mua. Chúng tôi thường xuyên lấy mẫu phân tích để kiểm duyệt” - ông Nguyên nói.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo