Chuyện “sâu thuốc độc”, “ma thuốc độc” hay “trùng độc” vốn là truyền thuyết dân gian, lưu truyền nhiều ở miền Trung và Tây Nguyên từ lâu. Gần đây, chuyện hoang đường này lại xuất hiện trở lại, gây hoang mang cho người dân nhiều nơi ở Đắk Lắk.
Đau ốm đều do... “trùng độc”!
Dù có nhiều dị bản nhưng nói chung, người ta tin rằng “trùng độc” được làm bằng cách lấy râu hổ cắm vào cây măng hay nuôi từ chuột bạch..., thường được cho vào thức ăn, nước uống, ai dùng phải sẽ đau ốm, bệnh tật. Đổi lại, kẻ nào bỏ được nhiều “trùng độc” để hại người thì càng giàu có.
Những ngày đầu năm, chúng tôi đến xã Phú Xuân - một vùng quê trù phú ở huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk. Tấp vào quán nước ven đường, chúng tôi dò hỏi quanh chuyện “trùng độc”. Người phụ nữ bán quán lo lắng cho biết hơn 10 gia đình ở thôn Tân Thái 3, xã Phú Xuân đã bị “trùng độc”.
Nghe tin chúng tôi tìm hiểu về “trùng độc”, vài phút sau, gần 10 người đã kéo tới quán nước tranh nhau kể lể. “Mấy tháng trước, tôi cảm thấy mệt mỏi, đi bệnh viện khám thì bác sĩ cho biết bị suy nhược cơ thể. Uống hết 10 ngày thuốc nhưng bệnh vẫn không giảm mà còn nặng thêm, người tôi cứ nhão ra, tay chân không nhấc nổi, chẳng thiết ăn uống gì, đêm không ngủ được. Tôi đem chuyện kể cho hàng xóm, người ta bảo do bị “trùng độc” hành” - bà Dương Thị Lài nhớ lại.
Bà Lài đã tìm đến “thầy” Thiện ở Buôn Ma Thuột khám. “Thầy đặt bàn tay tôi lên một cái lọ rồi lấy ống nghe áp lên khám và khẳng định tôi bị “trùng độc”. Tôi mua 3 thang thuốc hết 540.000 đồng về sắc uống trong 10 ngày, thấy cũng đỡ. Sau đó khoảng 1 tháng, bệnh tái phát. Lần này tôi không đi mà gửi áo lên, thầy xem rồi đưa tiếp 3 thang thuốc... Bệnh này quái ác lắm, không chữa trị thì “trùng độc” sẽ ăn hết xương tủy” - bà quả quyết. Theo bà Lài, con gái bà cũng dính “trùng độc” và đã khỏi bệnh sau khi uống hết 5 thang thuốc của “thầy” Thiện.
Cách quán nước không xa là nhà của gia đình ông Hồ Văn Tường, thôn phó thôn Xuân Thái 3. Căn nhà khang trang rộng gần 200 m2 đóng kín cửa. Chúng tôi gọi mãi, bà Nguyễn Thị Hương, vợ ông Tường, mới từ trong nhà dè dặt bước ra. Bà Hương thừa nhận chồng mình dính “trùng độc” từ cuối năm 2013, đã tìm đến 2 “thầy” ở huyện M’Đrắc và Buôn Ma Thuột để chữa trị.
“Sáng qua, anh ấy lại bảo mệt, tối không ngủ được nên vợ chồng tôi nghĩ “trùng độc” tái phát. Nay mai vợ chồng tôi sẽ lên Buôn Ma Thuột lấy thêm thuốc về uống, bệnh này không nên để lâu. Con gái của tôi vừa tốt nghiệp đại học đang làm việc ở TP HCM, một năm chỉ về nhà vài lần mà cũng dính “trùng độc”. Gia đình tôi phải đưa cháu về Hà Tĩnh chữa bệnh” - bà Hương lo ngại.
Khổ sở với tin đồn
Khi chúng tôi thắc mắc đã có người nào nhìn thấy “trùng độc” hay bắt quả tang kẻ bỏ nó vào đồ ăn, thức uống chưa… thì ai cũng lắc đầu. Theo suy luận đơn giản của người dân, không có kẻ bỏ “trùng độc” thì không thể có người mắc bệnh. Vì thế, hầu như ở mỗi vùng, người dân lại quy kết cho một gia đình nào đó nuôi “trùng độc”.
Ở xã Phú Xuân, anh Trần Văn Vân và vợ, chị Nguyễn Thị Hồng, là một trong những gia đình bị người dân nghi ngờ. Anh Vân bức xúc: “Vợ chồng tôi nấu rượu bán chạy nhất vùng nên có lẽ một số kẻ ghen tức, đặt điều để không ai dám mua nữa. Thấy gia đình tôi không nương rẫy, chỉ có cái quán tạp hóa mà vẫn khá giả, đủ tiền nuôi 2 con học đại học nên nhiều người tin rằng chỉ có bỏ “trùng độc” mới được vậy. Họ không biết rằng năm 1998, vợ chồng tôi từ Hà Tây vào đây lập nghiệp đã mang theo gần 1 tỉ đồng. Gia đình tôi phải tính toán làm ăn mới có được như ngày nay”.
Xã Ea Kly, huyện Krông Pắk, dù là xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh Đắk Lắk nhưng chuyện “trùng độc” vẫn làm điên đảo người dân. Suốt buổi trò chuyện với chúng tôi, bà Dương Thị Xuyến - cán bộ chi hội phụ nữ thôn, vợ ông Nguyễn Văn Phỉ, thôn trưởng thôn 10, xã Ea Kly - không ngớt rơi nước mắt.
“Cuối năm 2013, một người bạn cho biết dân địa phương nghi gia đình tôi nuôi “trùng độc”. Đầu năm mới, nhà tôi hầu như không có ai dám đến thăm chơi, chúc Tết. Trong thôn có tiệc tùng, vợ chồng tôi cũng chẳng dám đi vì sợ lỡ người ta bị ngộ độc thực phẩm lại đổ tội cho mình. Con gái tôi học lớp 12 cũng mấy lần về nhà khóc nức nở và đòi bỏ học vì bị bạn bè xa lánh” - bà Xuyến rầu rĩ.
Chịu hết nổi oan ức, bà Xuyến quyết dò hỏi, truy tìm người đã tung tin đồn ác ý và phát hiện kẻ đó là ông Võ Quang Nam, ngụ cùng thôn. “Ông Nam và hàng chục người liên quan đã bị công an triệu tập làm rõ sự tình. Ai cũng khai ông Nam là người tung tin trước, họ chỉ nói theo. Chính quyền đã phạt ông Nam 300.000 đồng, người khác 200.000 đồng. Kẻ phao tin đã bị xử lý nhưng gia đình tôi vẫn không sao xóa được nỗi oan này, trong khi người dân vẫn dèm pha” - bà Xuyến khổ sở.
Cũng tại Ea Kly, cuối năm 2013, chị Trần Thị Nhàn ở thôn 7A đã gửi đơn tới UBND xã tố cáo về việc gia đình mình bị bà Vũ Thị Hà vu khống nuôi “trùng độc”. Chị Nhàn uất ức: “Bà Hà cứ bảo tôi đã bỏ “trùng độc” giết con bà, giờ mẹ bà ấy lại mắc bệnh. Bà ta dọa nếu người mẹ mất, bà sẽ vứt xác sang nhà tôi rồi giết tôi luôn”!
Không nên nghe theo
Ông Nguyễn Hải Sâm, Chủ tịch UBND xã Ea Kly, cho biết chuyện tin “trùng độc” rồi nghi kỵ lẫn nhau đã xuất hiện tại địa phương khoảng 3 năm nay. “Chúng tôi đã chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con không nên nghe theo. Đối với những trường hợp cụ thể, chúng tôi làm công tác tư tưởng, sớm hòa giải để không dẫn đến mâu thuẫn lớn giữa người dân” - ông Sâm nói.
Kỳ tới: Xem áo chữa bệnh!
Bình luận (0)