Ngày 15-2, đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với 3 bộ Y tế, Công Thương và Nông nghiệp - Phát triển nông thôn
(NN-PTNT) về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2016.
Báo cáo của 3 bộ đều đáng lo
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, trưởng đoàn giám sát, chủ trì cuộc làm việc. Đại diện các bộ lần lượt báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP.
Báo cáo của Bộ NN-PTNT đánh giá ATTP nông sản từng bước được cải thiện trên tất cả nhóm ngành hàng thuộc phạm vi quản lý của bộ. Tuy nhiên, bộ cũng thừa nhận một số văn bản pháp luật, chính sách triển khai trong thực tiễn còn khó khăn do thiếu nguồn lực. Việc xử lý dứt điểm một số tồn tại như lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, thủy sản; giết mổ không bảo đảm vệ sinh, ATTP... còn chậm.
Báo cáo của Bộ Y tế nêu kết quả khảo sát liên tục từ năm 2011 đến 2016, toàn quốc ghi nhận hơn 1.000 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 30.000 người mắc, trong đó có 164 người chết. Tính trung bình mỗi năm có gần 170 vụ với hơn 5.000 người bị ngộ độc, gần 30 người chết. Báo cáo cũng ghi nhận nguy cơ ngộ độc thực phẩm ở các khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể vẫn còn rất cao.
Về công tác quản lý nhà nước, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục Vệ sinh ATTP (Bộ Y tế), nhìn nhận tình hình sử dụng chất cấm, lạm dụng hóa chất, kháng sinh, chất bảo quản, sử dụng phụ gia trong chế biến ngày càng phức tạp; buôn lậu thực phẩm qua biên giới còn diễn biến rất phức tạp; phần lớn thực phẩm tươi sống chưa có nhãn mác, dấu hiệu nhận diện và thông tin về nguồn gốc xuất xứ...
Theo ông Phong, nguyên nhân chủ quan là do cán bộ, cơ quan quản lý trong lĩnh vực này ở cấp cơ sở nhận thức chưa đầy đủ, ý thức trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh còn hạn chế. “Có tỉnh một năm kiểm tra, thanh tra 1.000 cơ sở nhưng chỉ xử phạt 2 cơ sở” - ông Phong thông tin thêm.
Còn theo báo cáo của Bộ Công Thương, từ năm 2011 đến tháng 9-2016, ngành Công Thương đã kiểm tra, xử lý 55.580 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP. Bộ Công Thương cho rằng công tác hậu kiểm sau khi cấp giấy chứng nhận ATTP và sau khi xử phạt vi phạm của các đơn vị chức năng rất hạn chế nên chưa kịp thời chấn chỉnh và giải quyết dứt điểm.
Không làm chứ không thiếu quy định
Sau khi nghe đại diện 3 bộ báo cáo, ông Phùng Quốc Hiển tỏ ra khá gay gắt. Ông chất vấn: “Công tác thanh tra, kiểm tra diễn ra thường xuyên nhưng tình hình ATTP ở nhiều địa phương đã ở mức báo động, có nơi đến “giới hạn đỏ”. Vậy trách nhiệm các bộ, ngành như thế nào?”.
Theo ông Hiển, số lượt kiểm tra về ATTP của cơ quan chức năng rất nhiều nhưng xử phạt vi phạm không tới đâu. Trong 5 năm qua, có đến 150.000 đoàn kiểm tra, bình quân 1 năm có 30.000 đoàn. Kết quả thanh tra được trên 3 triệu cơ sở, trong đó phát hiện 20% vi phạm. Nhưng tính bình quân, mỗi cuộc xử phạt chỉ có 200.000 đồng, không bằng xử phạt vi phạm giao thông. “Vi phạm nghiêm trọng mà chỉ xử phạt như thế này? Không có vụ nào xử lý hình sự cả, trong lúc có nhiều vụ nghiêm trọng. Vụ ngộ độc ở Lai Châu làm 7 người chết, nhiều người nhập viện thực sự là mối lo. Cho nên phải xem xét mức độ xử lý đã nghiêm minh chưa!” - ông Hiển bức xúc.
Phó Chủ tịch Quốc hội còn dẫn ví dụ món ruốc thịt lợn bán ngoài thị trường có giá 120.000 đồng/kg. Trong khi có nơi làm ruốc đặt gần trụ sở UBND xã nhưng chỉ 1/3 là ruốc, còn lại là bột. “Vậy mà các cuộc kiểm tra đều không biết? Đó là do thiếu người hay chúng ta chưa vào cuộc? Trách nhiệm của các bộ thế nào? Người đứng đầu địa phương ở đâu?” - ông Hiển chất vấn tiếp. Theo ông, nơi nào xảy ra vi phạm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chứ không thể nói không biết là xong. Không thể để vì lợi ích thành tích của địa phương mà quên đi lợi ích của cộng đồng.
Đồng tình với lập luận, phân tích của ông Hiển, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh băn khoăn về thông tin có tỉnh kiểm tra 1.000 cơ sở nhưng chỉ phạt 2 cơ sở. Theo bà Minh, xử phạt không nghiêm thì khó ngăn được vi phạm.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Nguyễn Mai Bộ đánh giá vi phạm ATTP tràn lan một phần là do cán bộ không làm chứ không phải thiếu quy định pháp luật. Bộ Luật Hình sự đã có quy định phạt tù đến 15 năm; xử hành chính hơn 500 triệu đồng... nhưng vẫn bất chấp.
Cùng “kết tội” chính quyền địa phương
Giải trình các ý kiến chất vấn, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết 3 bộ phải chịu trách nhiệm trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật về ATTP. Tuy nhiên, cũng phải làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp. Bộ trưởng Tiến đề xuất sắp tới nên làm rõ vai trò của lực lượng công an viên bán chuyên trách bám sát khu vực, tổ trưởng khu vực dân phố vào trong giám sát và phát hiện.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận kiểm tra nhiều nhưng xử phạt chưa nghiêm, còn nể nang, né tránh, chỉ dừng ở mức cảnh báo, giáo dục là “không đủ liều”. Ông Cường nhấn mạnh: “Không thể chính quyền địa phương không biết có cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn trên địa bàn”.
Cùng “kết tội” chính quyền địa phương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đúc kết: “Nơi nào chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo thì vi phạm giảm, tình hình chuyển biến tích cực”. Ông Khánh cũng đồng tình với Bộ Y tế việc tăng chế tài đối với vi phạm pháp luật về ATTP bởi đây là hành vi “đầu độc” con người.
Bình luận (0)