Ngày 20-4, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị khu vực phía Bắc góp ý dự thảo báo cáo tổng hợp của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) với sự tham gia của các trường ĐH, viện nghiên cứu, sở tư pháp nhiều địa phương.
Có nhiều vấn đề trọng tâm đặt ra trong quá trình lấy ý kiến nhân dân, như: trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong bảo vệ quyền dân sự, quyền nhân thân, chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức, bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu, thời điểm xác lập quyền sở hữu và các quyền khác, hình thức sở hữu, điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi, lãi suất trong hợp đồng vay tài sản…
Tại hội nghị, nhiều ý kiến khẳng định về cơ bản, các mục tiêu, quan điểm xây dựng dự án luật là phù hợp, có nhiều nội dung mang tính đột phá quan trọng. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng dự thảo có nội dung chưa rõ ràng, chưa bảo đảm tính đồng bộ, chưa giải quyết triệt để các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, cần chỉnh lý để bảo đảm bộ luật này thực sự trở thành những chuẩn mực pháp lý trong ứng xử của người dân, trong hoạt động của cơ quan có thẩm quyền; bảo đảm hành lang pháp lý thuận lợi, an toàn, ít rủi ro hơn cho người dân, cho sự phát triển nền kinh tế thị trường XHCN và hội nhập quốc tế.
Đáng chú ý, về hình thức sở hữu, dự thảo nêu 2 phương án. Phương án 1: Quy định 3 hình thức sở hữu là sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung. Phương án 2: quy định 2 hình thức sở hữu là sở hữu riêng và sở hữu chung, trong đó sở hữu toàn dân là dạng đặc biệt của sở hữu chung. Nhiều ý kiến đồng tình với dự thảo quy định bên cạnh sở hữu riêng, sở hữu chung thì cần ghi nhận sở hữu toàn dân là một hình thức độc lập. Song, có ý kiến cho rằng sở hữu toàn dân mang yếu tố chính trị - kinh tế rất phức tạp, cần được điều chỉnh ở các luật chuyên ngành. Trường hợp nhà nước đưa tài sản tham gia giao lưu dân sự thì cũng phải tuân thủ nguyên tắc bình đẳng như các chủ thể khác.
Về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự thì hộ gia đình, tổ hợp tác luôn là vấn đề gây nhiều tranh luận. Có 2 quan điểm là tiếp tục quy định hộ gia đình, tổ hợp tác như dự thảo hoặc không quy định hộ gia đình, tổ hợp tác trong Bộ Luật Dân sự. Về điều này, một số đại biểu cho rằng nên giữ nguyên như quy định hiện hành và bổ sung một số quy định để giải quyết những vướng mắc trên thực tiễn, như: cơ chế hình thành nên gia đình, tổ hợp tác; biến động về thành viên; tài sản chung của hộ gia đình và tư cách của thành viên tham gia giao dịch (nếu thành viên tham gia giao dịch nhân danh hộ gia đình thì trách nhiệm thuộc hộ gia đình; không nhân danh hộ gia đình thì trách nhiệm sẽ thuộc hộ gia đình nếu được các thành viên đồng ý, sẽ thuộc trách nhiệm cá nhân thành viên đó nếu các thành viên hộ gia đình không đồng ý)...
Trước đó, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến về dự thảo bộ luật ở khu vực phía Nam. Tại hội nghị này, bên cạnh một số ý kiến nhất trí với quy định sở hữu gồm 2 hình thức là riêng và chung hoặc 3 hình thức là toàn dân, riêng và chung, có đại biểu cho rằng nên quy định 2 hình thức: công hữu và tư hữu.
Bình luận (0)