xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bảo tàng kỷ vật

Bài và ảnh: Thế Dũng

Đó là Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh tại TP Hà Đông. Nơi đây hiện đang lưu giữ khoảng 12.000 kỷ vật. Những kỷ vật thoạt trông rất đời thường, nhưng chính là những hình ảnh gợi nhớ về sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ Binh đoàn 559 anh hùng trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại

Cách trung tâm TP Hà Nội chừng 14 km, Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh (nay thuộc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn – Bộ Quốc phòng) nằm trên tuyến Quốc lộ 6 đi qua TP Hà Đông. Tại đây, hiện có khoảng 12.000 kỷ vật đang được lưu giữ trong các phòng trưng bày chuyên đề về Trường Sơn thuở ban đầu (1959-1962); Đi lên theo bước phát triển của cách mạng cả nước (1963-1968); Đỉnh cao của chiến lược ngăn chặn và chống ngăn chặn (1969-1972)...

img
Hằng ngày luôn có các bạn trẻ đến tham quan các phòng trưng bày kỷ vật Trường Sơn ở Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh


Tự chế đồ dùng từ bom, đạn Mỹ


Không thể thống kê hết có bao nhiêu người đã dừng chân rất lâu ở các phòng trưng bày này để xem những kỷ vật như quân trang, quân dụng, chiếc đàn, gậy Trường Sơn, những tấm ảnh, thước phim... lại có cả những kỷ vật được các anh bộ đội Trường Sơn trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn đã tự chế từ mảnh bom, đạn pháo sáng của  Mỹ để sử dụng như bộ ấm chén, ly uống nước, hộp đựng dao cạo râu, phích nước, cuộn dây cước câu cá... Tất cả, thoạt trông rất bình thường nhưng đấy chính là những hình ảnh gợi nhớ về sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ Binh đoàn 559 anh hùng, trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại ngày nào.


Ở gần cửa ra vào của phòng trưng bày, một vỏ phích nước màu bạc được làm từ vỏ bom bi, do Đại đội trưởng Đại đội 6 (Tiểu đoàn 968 đường ống) Lê Năm tự chế, có hoa văn rất đẹp và kiểu dáng tựa như một vỏ phích bình thường. Chiếc phích này đã theo chân người đại đội trưởng và các chiến sĩ suốt dọc Trường Sơn từ năm 1968 đến năm 1974. Bên cạnh chiếc vỏ phích tự chế là những tập thơ của chiến sĩ đường ống – những người lo vận chuyển và bảo vệ tuyến “máu” cho vận tải cơ giới của chiến trường. Những vần thơ do các thi sĩ không chuyên viết lên, mộc mạc thôi mà người xem  vẫn đọc được trong đó sự gian khổ, mất mát nhưng rất đỗi hào hùng.


Nhiều du khách đã đặc biệt xúc động truớc một lọn tóc của chị Phạm Thị Loan (quê Ninh Bình, thuộc Đại đội 3, Trung đoàn 34 công binh - Sư đoàn 472) được góp nhặt trong những ngày chiến đấu. Cả tuổi thanh xuân của nhiều thế hệ thanh niên VN đã để lại Trường Sơn, có người đã hy sinh, có người phải để lại một phần thân thể. Máu và nước mắt của chiến sĩ đường Trường Sơn đã tưới đẫm đất rừng. Trong sự gian khổ chung đó, những nữ chiến sĩ là vất vả, gian nan hơn cả khi phải đối mặt với rừng thiêng, nước độc và sự độc ác của kẻ thù trong việc thả các chất hóa học vào nguồn nước. Tình cảnh nữ chiến sĩ rụng tóc nơi chiến trường là chuyện phổ biến. Những lọn tóc bị rụng và được góp nhặt lại của chị Loan sau những cơn sốt rét rừng ác tính giai đoạn 1972-1975, gửi tặng bảo tàng, đã nói lên phần nào sự hy sinh lớn lao của các chị.


Nghe kể về những câu chuyện xung quanh lọn tóc này, người xem còn biết thêm rằng, ngay trong thời điểm chiến tranh ác liệt nhất, vào những khoảng lặng hiếm hoi của cuộc chiến, những anh lính Trường Sơn vẫn cố gắng tìm kiếm để mang đến một thùng nước không nhiễm chất hóa học cho các chị thanh niên xung phong gội đầu. Chính những sự quan tâm nhỏ bé về vật chất như thế đã là động lực không nhỏ, giúp các nữ thanh niên bám trụ được với đường Trường Sơn cho đến ngày giải phóng.


Nhớ một thời gian khổ


Hôm chúng tôi đến thăm bảo tàng, vợ chồng bác Lê Đình Lâm (quê Nghệ An, cựu chiến binh của Binh trạm 12, chiến trường miền Tây Quảng Bình, Quảng Trị) đã có mặt từ rất sớm. Bác sĩ Lâm và y sĩ Tỵ đã kết hôn và gửi gắm tuổi thanh xuân cùng một phần  máu thịt nơi chiến trường.


Chỉ vào phần trưng bày của tuyến đường 20 quyết thắng, ngã ba Chà Là, Cổng trời, cua Chữ A, đèo Mụ Dạ, đèo Đá Đẽo... và nhất là những hình ảnh và kỷ vật về Tiểu đoàn 2 công binh (D2) 2 lần được phong tặng anh hùng, bác sĩ Lâm kể vanh vách  rằng Km 39 (thuộc đường 12A) là vị trí trọng điểm ác liệt bậc nhất của đường Trường Sơn suốt những năm chống Mỹ. Đây chính là “túi” bom đạn, là nơi chiến sĩ ta đổ máu và hy sinh nhiều nhất. Nói đến mất mát, cả bác Lâm và bác Tỵ ngậm ngùi: “Phim ảnh, sách báo đều chưa thể nào nói hết được sự ác liệt, hy sinh nơi chiến trường. Nhìn vào những kỷ vật này tôi không thể nào quên được rằng mỗi năm, D2 gần như hy sinh mất một tiểu đoàn, vậy mà đơn vị vẫn luôn kiên cường bám đường, thông tuyến”. 


Những chiếc cuốc, xẻng được trưng bày ở đây hầu hết đã bị xuyên thủng bởi nhiều vết bom đạn, nhưng từng liên tục được nhiều thế hệ công binh, thanh niên xung phong thay phiên nhau nắm chặt trong tay để tuyến đường huyết mạch lưu thông. Nhìn tấm áo giáp bọc vải bạt bên ngoài, bác sĩ Tỵ nhớ lại mình từng có một tấm như vậy nhưng ngắn hơn. Để hạn chế thương tích của công binh khi san lấp hố bom, bộ đội ta được trang bị áo giáp nặng trên 60 kg bằng lõi đồng, lõi sắt. Tại phòng trưng bày còn có một chiếc hầm di động tự chế, hay còn gọi là áo giáp cơ động, được làm bằng thùng phuy đựng xăng, bọc thân tre bên ngoài để bảo vệ chiến sĩ khi san lấp tuyến đường sau mỗi trận oanh tạc.


Nhìn vào những kỷ vật này, rất nhiều du khách đã xúc động ghi lại cảm xúc rằng không thể tưởng tượng nổi bộ đội Trường Sơn lại có những sáng kiến độc đáo như vậy.

Sự  thật  đằng sau một  lá cờ


Tại Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh hiện đang trưng bày một lá cờ Mỹ có ghi những lời nhắn bằng ba thứ tiếng Anh, Hoa, Việt. Đấy là lá cờ bộ  đội  ta thu được từ quân nhân Mỹ. Nội dung của lời nhắn: “Tôi là một người Mỹ. Tôi không biết tiếng Việt, gặp bước không may, tôi nhờ quý ông kiếm thức ăn, chỗ ở và bảo vệ cho tôi. Tôi nhờ quý ông đưa tôi đến một người nào đó để đưa tôi về Mỹ. Chính phủ chúng tôi sẽ đền ơn quý ông”. Hóa ra, bên cạnh sự tàn bạo và ngông cuồng, quân đội Mỹ vẫn không giấu được sự hèn nhát và mất niềm tin vào khả năng chiến thắng trong những cuộc đọ sức với quân đội nhân dân VN.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo