Năm 1964, anh lính trẻ Nguyễn Quang Tám được cấp trên điều động về tỉnh Hà Tĩnh làm tổng đội phó, chỉ huy 1.000 thanh niên xung phong vượt Tây Trường Sơn làm đường giao thông. Hai năm sau, anh được điều động vào đoàn chuyên gia VN sang giúp nước bạn Lào củng cố chính quyền.
Các chuyên gia VN có nhiệm vụ đặc biệt nữa là phải cùng ăn, cùng ở với người Lào để vận động bà con dân tộc Lào giúp VN đánh Mỹ thông qua việc làm đường, làm kho bãi, mở rộng vùng hậu phương, bảo vệ an toàn hành lang giao thông đường Trường Sơn. Vì nhiệm vụ đặc biệt mà từ đó Nguyễn Quang Tám mang một cái tên mới là Khâm Tày Xi Vi Lay.
Vợ chồng ông Nguyễn Quang Tám trong phòng truyền thống Trường Sơn gia đình tự lập
Thời gian này, cuộc chiến đấu đang ở giai đoạn vô cùng gian khổ bởi Mỹ điên cuồng ném bom đánh phá Trường Sơn hòng phá hủy tuyến đường vận tải đặc biệt này.
Nhân dân các bộ tộc Lào sống dọc phía Tây Trường Sơn phải lánh vào sống trong các hang đá. Hằng ngày, Khâm Tày Xi Vi Lay phải tìm đến các binh trạm bộ đội VN trên đường Trường Sơn mang gạo về cứu đói cho bà con.
Quà cưới là ba lô, võng tăng
Một ngày cuối tháng 4-1971, Khâm Tày Xi Vi Lay đến binh trạm 9 của Binh đoàn 559 để lấy gạo. Người đầu tiên anh gặp là một cô gái trẻ trung. Làm quen, anh biết tên của cô là Trương Thị Xuân Vui, quê ở tỉnh Quảng Bình, đang là giao liên của binh trạm.
Từ chỗ đơn vị của anh ở đến binh trạm 9 cách nhau 4 ngày đường. Muốn gặp nhau phải đi bộ mất ngần ấy thời gian, chưa kể phải cần thêm từng ấy ngày mới trở về được đơn vị nên thời gian mỗi lần hai người bên nhau luôn phải tính bằng từng phút.
Bởi vậy, mới có chuyện ngồ ngộ là yêu nhau như thế mà chị đâu có đủ thời gian tìm hiểu để biết anh là người VN trăm phần trăm chứ không phải người Lào. Mãi đến hôm cưới nhau chị mới biết và còn biết thêm rằng quê anh chỉ cách quê chị vài chục km.
Hồi ấy, biết chị rất thích hoa nên cứ mỗi lần chuẩn bị đi gặp người yêu, thế nào anh cũng phải tranh thủ những khi ngớt tiếng bom để cố gắng kiếm ra một nhành phong lan.
Tình yêu của "chàng trai Lào” và cô gái Việt được báo cáo lên đơn vị và nhanh chóng được cấp trên đồng ý. Một lễ cưới đơn sơ nhanh chóng được hai đơn vị quyết định tổ chức.
Trước ngày cưới 3 hôm, đằng trai, đằng gái xúm nhau dựng một khu lán đủ đặt 3 dãy bàn. Nói bàn cho oách vậy chứ thật ra là anh em nhặt những thùng đạn dựng lên rồi chặt tre nứa đan gộp lại làm mặt bàn, xẻ bao ni lông đựng gạo làm khăn trải bàn.
Đơn sơ vậy mà có đến gần 200 người là bộ đội và dân quân hỏa tuyến đến dự đám cưới. 12 người đại diện đằng trai là những cán bộ của Lào, khệ nệ mang theo thịt nai và hoa phong lan.
Anh thì mang theo một chiếc ba lô và một chiếc võng tăng, loại trang bị cho bộ đội, để làm kỷ vật ngày cưới tặng cô dâu. Sau tiết mục trao quà là ăn tiệc cưới. Măng rừng kho với thịt nai là thực đơn đặc biệt nhất. Thuốc lá và kẹo được anh em lái xe mang từ Hà Nội vào.
Trước đại diện hai bên, cô dâu chú rể thề nguyện bên nhau trọn đời và nếu sinh con, dù trai hay gái, cũng sẽ đặt tên là Trường Sơn để kỷ niệm những tháng ngày oanh liệt.
Nghe thế, nhiều anh bộ đội vốn chai sạn với bom đạn ai ngờ lại không cầm được những giọt nước mắt chảy dài. Họ khóc vì chiến tranh đang ác liệt như thế, biết sống chết lúc nào mà hẹn thề đầu bạc răng long?
Đám cưới trong tiếng bom
Ông Tám còn nhớ như in hôm đó đám cưới diễn ra chưa đầy một giờ mà máy bay Mỹ cứ quần qua quần lại, thi thoảng lại thả vài loạt bom, cây rừng đổ loạn xạ, nhiều lúc tưởng chừng như chúng đã phát hiện đám cưới.
“Nóng mặt”, có chiến sĩ mang súng ra định giã cho chúng một trận nhớ đời, nhưng mệnh lệnh cấp trên không được manh động nên mọi người đành lặng im. Máy bay đi qua, mọi người lại vỗ tay hát tiếp. Tiếng hát xao động cả rừng già.
Lễ cưới kết thúc, hai người dắt tay nhau vào phòng hoa chúc trong tiếng chúc mừng không ngớt của đồng đội. Dẫu bom vẫn dội, máy bay vẫn không ngớt quần thảo liên tục nhưng đêm tân hôn đã diễn ra ngọt ngào trong ngôi nhà sàn mái lợp bằng lá rừng, là quà tặng của các chiến sĩ và bà con người Lào.
Hai vợ chồng được phép ở bên nhau 15 ngày. Đó là những ngày họ được ở bên nhau trọn vẹn. Hết thời hạn “tuần trăng mật”, anh phải chia tay chị để trở về đơn vị.
Chị có thai mà không biết làm sao để báo tin cho anh. Khi anh nhận được tin vui thì cũng là lúc các anh lính lái xe và cánh thanh niên xung phong đã loan báo khắp tuyến đường như một tin vui chiến thắng.
Năm 1973, chị được cấp trên cho về tuyến sau để sinh đứa con đầu lòng. Món quà yêu thương chị dành tặng chồng đang ở chiến trường là một cậu con trai kháu khỉnh.
Nhớ lời chồng, chị đặt tên cho con là Trường Sơn. Hết thời gian sinh nở, chị quay lại tuyến trước. Kể từ đó, Trường Sơn luôn được ở bên mẹ, trong một lán trại quân đội giữa Trường Sơn Đông, cùng mẹ mong ngóng từng ngày được đón bố từ chiến trường Trường Sơn Tây về thăm.
Lập phòng truyền thống để nhớ về đồng đội Sau ngày hòa bình, vợ chồng ông Nguyễn Quang Tám về sinh sống tại thị trấn vùng cao Khe Sanh, thuộc huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ông tiếp tục tham gia công tác và từng giữ chức vụ chủ tịch UBND huyện. Ông bà có bốn người con, tất cả đều đã trở thành những cán bộ Nhà nước. Anh Nguyễn Trường Sơn nay đã là sĩ quan công an công tác tại Công an huyện Hướng Hóa. Cách đây gần 10 năm, vợ chồng ông lập một phòng truyền thống Trường Sơn thời chống Mỹ ngay trong ngôi nhà nhỏ của gia đình. Từ đó đến nay, ông đã đi nhiều nơi, gặp nhiều bè bạn cũ để sưu tập hơn 1.000 hiện vật. Chiếc ba lô và võng tăng kỷ vật ngày cưới cũng được gia đình trưng bày rất trang trọng trong phòng truyền thống của gia đình. |
Kỳ tới: Vạn thuở lưu danh
Bình luận (0)