Một trong những vụ việc làm dư luận bất bình nhất trong thời gian qua chính là dự án du lịch tại bán đảo Sơn Trà. Người dân và rất nhiều nhà khoa học lo ngại hệ sinh thái độc đáo của vùng đất này có nguy cơ bị hủy hoại bởi những dự án kinh tế.
Mạnh miệng mà không động tay
Trong phiên họp Quốc hội mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói rõ việc triển khai dự án du lịch tại bán đảo Sơn Trà tùy thuộc vào TP Đà Nẵng. Thời gian qua, nhiều lãnh đạo của TP này cũng hô hào bảo vệ hệ sinh thái Sơn Trà. Nhưng thực tế ra sao? Đến nay, TP Đà Nẵng đã cấp phép cho 25 dự án tại bán đảo này với tổng số đất giao và cho thuê lên đến gần 900 ha. Bởi thế nên khi Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ trong cuộc họp gần đây, "cam đoan khẳng định không để yếu tố kinh tế lấn át, làm phương hại đến yếu tố tự nhiên của Sơn Trà" cũng làm không ít người phải nghi ngờ.
Một vấn đề khác nghiêm trọng hơn, đau lòng hơn chính là rừng ở Tây Nguyên và miền Trung tiếp tục bị tàn phá. Thủ tướng Chính phủ đã ra lệnh đóng cửa rừng Tây Nguyên từ lâu. Các địa phương cũng cam kết bảo vệ rừng và đưa vào chỉ tiêu thi đua của từng ngành liên quan nhưng rừng vẫn bị tàn phá với đủ hình thức. Lâm tặc từ lâu đã không còn là những tay bặm trợn mang cưa lén lút hạ cây nữa mà lâm tặc nay có thể là một cán bộ nào đó hoặc là doanh nhân sang trọng phá hàng chục, hàng trăm hecta rừng dưới danh nghĩa các dự án có đầy đủ chữ ký của các cơ quan hữu quan.
Còn câu chuyện xây biệt thự hay sở hữu tài sản "khủng" của cán bộ cũng gây "bão" dư luận trong những ngày qua. Địa phương nào cũng hô hào kê khai minh bạch tài sản cán bộ để phòng chống tham nhũng nhưng biệt thự, dinh thự của không ít cán bộ lãnh đạo rùng rùng mọc lên ở phần lớn các địa phương mà không bao giờ được nghe báo cáo. Chỉ một tỉnh vùng cao như Yên Bái đã có nhiều biệt thự tiền tỉ của cán bộ đầu ngành. Thế nhưng, chỉ khi dư luận lên tiếng, báo chí vào cuộc, lãnh đạo địa phương mới đi kiểm tra, xem xét.
Rừng tại Lâm Đồng bị tàn phá nặng nề trong thời gian qua Ảnh: ĐÌNH THI
Thành tích cá nhân, trách nhiệm tập thể
Quy chế trách nhiệm, cơ chế giám sát chúng ta có đầy đủ và bộ máy nhà nước cũng đầy đủ các ban bệ để thực hiện việc này. Thế nhưng, những vụ việc gây ảnh hưởng đến tài nguyên quốc gia, quyền lợi của số đông người dân sao vẫn diễn ra mà không truy được trách nhiệm cụ thể?
Trong trường hợp Sơn Trà, nếu lãnh đạo TP Đà Nẵng muốn gìn giữ hệ sinh thái nơi đây đã không thể có đến mấy chục dự án kinh tế ùn ùn triển khai xây dựng. Nếu không truy trách nhiệm cán bộ và "khó xử" những dự án trên thì trong tương lai chúng ta sẽ phải tiếp tục chấp nhận những "việc đã rồi" tương tự.
Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, cho biết trong vấn đề quy hoạch Sơn Trà, lãnh đạo TP Đà Nẵng cần đặt lợi ích cộng đồng lên trên lợi ích của một vài nhà đầu tư, đặt tương lai bền vững trên lợi ích ngắn hạn trước mắt. Ngược lại, về phía nhà đầu tư cũng nên có sự cân nhắc để cùng chính quyền bảo vệ môi trường của Đà Nẵng, đó cũng chính là bảo vệ lợi ích kinh tế cho chính họ.
Những ngày qua, phóng viên Báo Người Lao Động xâm nhập và có loạt bài viết về nạn phá rừng ở miền Trung và Tây Nguyên. Có nhiều vụ phá rừng diễn ra trước mắt của các cơ quan chức năng sở tại, thậm chí có cả sự tiếp tay của không ít cán bộ địa phương. Cũng từ những phản ánh này, Cục Kiểm lâm đã có văn bản gửi Chi cục Kiểm lâm các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi, Lâm Đồng và Đắk Nông xử lý thông tin mà báo đã nêu.
Rừng không phải đến bây giờ mới bị phá nhưng liên quan đến việc này đã có mấy lãnh đạo địa phương bị xử lý trách nhiệm? Trách nhiệm cứ mãi chung chung, đùn đẩy từ cơ quan này đến cơ quan khác. Ấy vậy mà chỉ một thành tích dù không lớn (trồng thêm được bao nhiêu hecta rừng, chẳng hạn) thì nó sẽ được nhắc đến trong báo cáo của nhiều cơ quan.
Biệt phủ của các "quan" cũng thế, sau khi báo chí vào cuộc, người dân phản ánh thì các cơ quan chức năng mới biết. Đó là thực tế đáng buồn và sẽ đáng buồn hơn nếu kết quả kiểm tra, xử lý rồi đâu lại vào đấy.
Giám sát từ Quốc hội
Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng về lời hứa của các bộ trưởng, nếu Quốc hội làm chặt thì sẽ có tác dụng. Xu hướng chung của các bộ trưởng gần đây là đã tích cực hơn nhiều so với các kỳ họp trước. Đã cố gắng muốn giải quyết những kiến nghị tồn đọng. Sắp tới đây, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ rà soát toàn bộ theo Luật Hoạt động giám sát. Việc làm này để xem xét các bộ trưởng đã hoạt động như thế nào để có đánh giá và cũng nhằm phục vụ cho việc sang năm bỏ phiếu tín nhiệm. Quốc hội sẽ có tổng hợp từ đầu nhiệm kỳ, còn nợ bao nhiêu kiến nghị của cử tri, bộ nào tích cực, bộ nào không…
Tuy nhiên, về phía địa phương thì cũng có những chuyện nọ chuyện kia. Chuyện phối hợp giữa bộ trưởng với địa phương phần lớn vướng ở địa phương. Quốc hội cũng sẽ có những cách nhắc nhở địa phương một cách hợp lý nhất.
T.Dương
Ông Trương Quang, Giám đốc một DNTN ở TP HCM:
Người dân không thể làm thay
Rất nhiều vụ việc diễn ra trong thời gian vừa qua không phải do các cơ quan chức năng phát hiện mà do chính người dân phản ánh, báo chí vào cuộc. Từ vụ xâm hại Sơn Trà, biệt thự khủng của cán bộ Yên Bái cho đến đất đai ở Hà Nội, xây trạm thu phí bất hợp lý... Thực tế này làm chúng tôi nghi ngờ năng lực lãnh đạo của một số cán bộ, một số cơ quan chức năng tại không ít các địa phương. Đáng buồn hơn, có những vụ việc người dân phản ánh thì chính họ bị trả đũa, bị trù dập.
Chúng ta không thể chấp nhận sự yếu kém, lẩn tránh của những cán bộ được người dân trả lương nhưng làm phương hại đến quyền lợi của họ. Một người thiếu năng lực thì bản thân họ chịu thiệt thòi. Nhưng một cán bộ thiếu năng lực thì gây hại cho số đông người khác. Vị trí làm việc càng cao mà thiếu trách nhiệm thì hậu quả gây ra càng lớn.
Bà Trần Khánh Thu, giáo viên THPT ở tỉnh Bình Thuận:
Đừng để mất lòng tin
Tôi là giáo viên môn văn, thường dạy học trò mình rằng hãy có lòng tin vào con người và xã hội. Nhưng lòng tin không phải tự dưng hoặc áp đặt mà có. Nó phải luôn được xây dựng và chứng minh qua từng ngày, từng việc làm cụ thể. Khi một người lớn nói với trẻ em rằng phải biết giữ lời hứa thì trước hết người lớn phải làm gương, giữ được chữ tín của mình. Tương tự, một người điều hành, quản lý phải cam kết những gì mình đã hứa sẽ được thực hiện trong thực tiễn. Người dân không thể mãi bị thiệt thòi vì sự tắc trách, thiếu năng lực của một số cán bộ ở nhiều địa phương.
Kiểm tra lời hứa của cán bộ không khó, mọi thứ đều được thể hiện trong các chỉ tiêu, kế hoạch cụ thể được báo cáo hằng năm. So sánh với thực tiễn sẽ tìm ra ngay ai và cơ quan nào thiếu năng lực, không hoàn thành trách nhiệm. Xử lý nghiêm những cán bộ yếu kém mới tạo lòng tin cho người dân.
Luật sư Hồ Ngọc Diệp, TP HCM:
Tăng khả năng giám sát
Năng lực của một cán bộ được thể hiện ở tầm nhìn và khả năng phục vụ quyền lợi của người dân. Khi đưa ra một quyết định, duyệt một dự án... thì yếu tố này được đặt lên trên hết. Có như thế mới có thể tránh được những sai lầm và khó bị tác động bởi những cá nhân hoặc nhóm lợi ích có thế lực. Điều quan trọng kế tiếp là khả năng giám sát của các cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, giảm thiểu tác hại do những quyết định sai lầm gây ra. Truy trách nhiệm và xử lý phải cứng rắn để cảnh báo và ngăn ngừa vụ việc tương tự.
D.Phương ghi
Bình luận (0)