Ngày 1-3, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện lộ trình thông tuyến trong khám chữa bệnh (KCB) BHYT.
Rất nhiều “biểu hiện lạ”
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết năm 2016, số thu BHYT cho KCB ước 64.242 tỉ đồng và số chi ước 69.410 tỉ đồng (ước bội chi 5.130 tỉ đồng). Nguyên nhân bội chi chủ yếu là do điều chỉnh giá dịch vụ y tế, sự phát triển của khoa học kỹ thuật trong KCB, tăng cường chuyển giao kỹ thuật đối với tuyến dưới, mô hình bệnh tật thay đổi và có một phần do thông tuyến.
Theo bà Tiến, hiện vẫn chưa có biện pháp quản lý cũng như chế tài kiểm soát người đi KCB nhiều lần; nhiều nơi chỉ định quá mức cần thiết; dịch vụ y tế và năng lực của cơ sở KCB chưa đáp ứng được nhu cầu và sự hài lòng của người bệnh. Thực hiện thông tuyến nhưng chưa thay đổi cơ chế quản lý sử dụng quỹ KCB BHYT nên cơ sở đăng ký KCB ban đầu được giao quản lý sử dụng quỹ KCB hoặc giao quỹ định suất nhưng không thực sự kiểm soát được người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu ở nơi đó tự ý đi KCB ở cơ sở khác. Một số bệnh viện (BV) tư nhân có xu hướng xin xuống hạng để tương đương BV huyện nhằm được áp dụng cơ chế thông tuyến; thậm chí tặng quà, hỗ trợ chi phí cùng chi trả hoặc đưa đón người bệnh để thu hút người có thẻ BHYT đến KCB.
Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, bà Nguyễn Thị Minh, nói về rất nhiều những “biểu hiện lạ”, những “số liệu gây ngạc nhiên”. Cụ thể, trong các tháng 6 và 7-2016 có 1,2 triệu người khám bệnh 2 lần/tháng, 3 triệu người khám bệnh hằng tuần. Thậm chí, có trường hợp đi khám, lấy thuốc đến 308 lần ở 23 nơi trong 8 tháng (TP HCM), 197 lần ở 5 nơi (TP HCM, Bình Dương), 1 bệnh nhân ở An Giang trong quý IV/2016 KCB 160 lần tại 20 cơ sở khác nhau. Có người bệnh đi khám, lấy thuốc tới 800 lần trong 3 tháng...
Người đứng đầu BHXH cho hay một số BV tuyến huyện bị sụt giảm số lượng bệnh nhân. Đặc biệt, y tế xã gần như bị bỏ rơi, dẫn đến lãng phí nguồn lực.
Điều đáng nói, theo bà Minh, việc thông tuyến cũng ảnh hưởng đến chất lượng KCB BHYT khi nhiều BV tuyến huyện không đáp ứng được yêu cầu phục vụ số lượng lớn bệnh nhân đến khám. Một số BV tỉnh “xin” xuống hạng để được áp dụng quy định thông tuyến. Đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong đề nghị bộ trưởng Bộ Y tế làm rõ hơn những giải pháp khắc phục, nhất là việc đa số y tế tuyến xã “ngồi chơi xơi nước”, “đắp chiếu” trong khi tuyến huyện ngày càng quá tải.
Đừng đổ tội cho thông tuyến!
TS Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, băn khoăn: “Thông tuyến là một trong những chính sách được hoan nghênh nhất năm vừa qua, góp phần đẩy mạnh BHYT toàn dân. Việc tăng chi quỹ BHYT vừa qua, tình trạng lạm dụng BHYT chủ yếu là do kết quả áp dụng giá dịch vụ y tế sau khi điều chỉnh”.
Từ đó, ông Tiên kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành các quy định chuyên môn cho y tế xã quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm, quy định chuyên môn về việc KCB của người dân mỗi ngày, tuần để hạn chế lạm dụng BHYT; sửa đổi về khoán kinh phí BHYT đối với cơ sở y tế có nhận đăng ký KCB ban đầu; quy định về kiểm soát một số cơ sở y tế thực hiện các biện pháp khuyến mãi thu hút bệnh nhân. Đặc biệt, cần có giải pháp về kiểm soát chất lượng dịch vụ y tế, hạn chế việc lưu giữ bệnh nhân để điều trị của cơ sở không đáp ứng đủ điều kiện nguồn lực và có biện pháp xử lý mạnh đối với cơ sở y tế cố tình lạm dụng quỹ BHYT. BHXH Việt Nam cần tăng cường giám định điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện BHYT; thường xuyên kiểm tra việc sử dụng quỹ BHYT, đề xuất sửa đổi quy định về giám định trong Luật BHYT để quản lý hiệu quả hơn quỹ BHYT.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận có “lỗi là do quản trị, tổ chức, đầu tư chưa tốt”. Mặc dù vậy, cần phân biệt giữa thông tuyến và vượt tuyến, tránh việc bệnh nhân vượt tuyến gây ách tắc ở BV tuyến trên, trong khi tuyến dưới dù có thể xử lý nhiều trường hợp bệnh nhưng quá vắng bệnh nhân, không sử dụng hiệu quả nguồn lực. Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết sẽ tăng danh mục thuốc, kỹ thuật cho tuyến dưới để phục vụ người dân tốt hơn.
Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế giải thích rõ vì sao có một số văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế chậm được ban hành, gây khó khăn cho KCB BHYT. Có 9 nội dung do vướng về cơ chế mà Bộ Y tế chưa hướng dẫn giải quyết. Một hệ quả là có các BV tỉnh bị “khoanh” tiền BHYT đến hàng trăm tỉ đồng không được thanh toán? Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp thu ý kiến này và cho biết sẽ đôn đốc để ban hành các văn bản cần thiết; đồng thời sẽ có giải pháp đột phá chính là tăng cường cho y tế cơ sở.
Thông tuyến sớm ngày nào tốt ngày đó
Đến dự phiên giải trình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh cần thông tuyến sớm ngày nào tốt ngày đó cho người dân. Không vì có hiện tượng khám vượt tuyến nhiều mà đặt vấn đề ngược lại bởi khi thông tuyến, người dân được hưởng lợi và tạo ra nhiều chuyển biến tích cực. Ông Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế và BHXH sớm hoàn thiện, ban hành các văn bản hướng dẫn; đồng thời đẩy mạnh tin học hóa công tác KCB liên thông với BHXH, tiến tới tích hợp quản lý cả việc cấp thẻ dữ liệu KCB và BHXH.
Bình luận (0)