Trong số các ao, hồ bị ô nhiễm và có dấu hiệu ô nhiễm thuộc 6 quận (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ), quận Đống Đa có nhiều ao, hồ bị ô nhiễm nguồn nước nhất.
Lấn chiếm, san lấp hồ vô tội vạ
Ngày 6-10, mặt nước hồ Văn Chương (quận Đống Đa) nhuộm màu xanh đen, váng trắng nổi lềnh bềnh, mùi hôi thối bốc lên khiến người qua đây thấy váng vất. Khu vực ven hồ có nhiều cống nước thải ra. Tại hồ Linh Quang, nước hồ đen đặc quánh; vỏ trái cây, túi ni-lông, hộp xốp, củi khô, xác động vật, cá chết lẫn bèo tây dày đặc.
Rác thải sinh hoạt của người dân nổi trắng một phần mặt hồ Linh Quang (quận Đống Đa, TP Hà Nội) Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG
Tại khu vực bờ hồ, đất đá, gạch vữa, phế thải... của các hộ gia đình đổ bừa bãi để lấn chiếm, mở rộng diện tích chăn nuôi gia súc, gia cầm và làm nhà trọ cho những người lao động nghèo từ các tỉnh đổ về thuê.
Bà Hoàng Thúy Hoa (50 tuổi, sống gần hồ Linh Quang) cho biết hồ này thuộc chương trình giải phóng mặt bằng của TP từ năm 2004 song đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm. “Những ngày mưa, hồ bốc mùi hôi thối nồng nặc gây ảnh hưởng cho cả khu vực xung quanh hồ. Người dân đã kiến nghị lên các cấp chính quyền rồi mà chưa thấy xử lý” - bà Hoa nói.
Một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam công bố mới đây cho thấy chất lượng nước tại nhiều ao, hồ ở Hà Nội đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong số 30 hồ trọng điểm được phân tích, có tới 6 hồ ô nhiễm rất nặng, 8 hồ ô nhiễm nặng và 11 hồ có dấu hiệu ô nhiễm bởi các hoạt động xả trực tiếp nước thải sinh hoạt, rác thải và lấn chiếm lòng ao, hồ để nuôi cá, kinh doanh.
Từ năm 2010-2015, Hà Nội có 17 hồ bị san lấp hoàn toàn nhưng chỉ bổ sung 7 hồ mới. Đến năm 2015, các quận nội thành còn 112 hồ, giảm 10 hồ. Các ao, hồ bị san lấp và lấn chiếm gồm hồ Linh Quang, ao Trại Cá, ao Yên Hòa, ao Ải Bái Ân, ao Khu Đồng Xa... Riêng hồ Tây, trước đây rộng hơn 500 ha, đến năm 2010 chỉ còn 460 ha.
Bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng, cho biết đến năm 2015, những hồ chưa được kè đang đứng trước nguy cơ bị lấn chiếm để xây nhà, bãi đỗ xe; trở thành bãi tập kết rác, phế liệu, nơi chứa rác sinh hoạt; thậm chí biến thành nơi phơi đồ.
Nhiều hồ đã “chết”
Vào đầu tháng 6-2016, người dân sống quanh hồ Hoàng Cầu (quận Đống Đa) phát hiện rất nhiều cá chết nổi trắng bụng. Mới đây, các lực lượng chức năng đã vất vả suốt mấy ngày để vớt hơn 200 tấn cá chết ở hồ Tây.
Trước tình trạng này, PGS-TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch CLB hồ Hà Nội, nhận xét nhiều hồ ở Hà Nội dường như đã “chết” do quá trình xả nguồn nước thải chưa qua xử lý và đổ vật liệu xây dựng lấn chiếm. Ngoài ra, việc nuôi thủy sản quá mức cũng khiến nhiều ao, hồ bị ô nhiễm và mất dần một phần diện tích trên bản đồ Hà Nội.
Để cứu nguồn nước, bảo vệ môi trường ao, hồ, PGS-TS Trương Mạnh Tiến cho rằng ngoài các giải pháp của chính quyền, cần huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư cũng như các đoàn thể để tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhằm hạn chế việc xả thải, đổ rác hay chất bẩn xuống ao, hồ.
Ông Trần Trọng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, cho hay công ty và tổ công tác của TP Hà Nội chuẩn bị đánh giá hiệu quả của quá trình thử nghiệm chế phẩm Redoxy-3C dùng làm sạch hồ nước do Công ty Watch Water (Đức) sản xuất theo đặt hàng của UBND TP Hà Nội.
Chế phẩm này đã được rải xuống hồ Tây để xử lý ô nhiễm sau khi cá chết bất thường những ngày qua và cho kết quả tốt. Với kết quả khả quan sau khi sử dụng Redoxy-3C tại nhiều hồ nước ô nhiễm, thành phố đang tiếp tục nhân rộng mô hình này tới các ao, hồ khác.
Để cá chết, rõ ràng quản lý chưa tốt
Ngày 6-10, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 6, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết TP đã chỉ đạo Công an TP, Cảnh sát Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Công an điều tra nguyên nhân cá hồ Tây chết hàng loạt.
Theo ông Hoàng Trung Hải, hồ Tây đã được đầu tư hệ thống gom nước thải từ nhiều năm nay, nếu vẫn còn hiện trạng các hộ sản xuất, kinh doanh xả nước thải ra hồ thì cơ quan chức năng phải rà soát, kiên quyết xử lý. Bên cạnh đó, phải đầu tư hệ thống quan trắc nước, tiếp tục rà soát tất cả nguồn nước thải.
“Bây giờ chưa biết nguyên nhân cá chết ở hồ Tây nhưng rõ ràng để xảy ra như vậy, chúng ta vẫn còn sơ sểnh, quản lý chưa tốt. Chúng ta phải kiên quyết làm việc này, không để tình trạng này xảy ra một lần nữa”- Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.
Bí thư Hoàng Trung Hải cho hay TP Hà Nội đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp để bảo đảm môi trường như: tiếp tục cải tạo nước ở 17 hồ; xử lý hệ thống nước thải, thu gom nước thải sông Tô Lịch về trạm xử lý nước thải ở Yên Xá; đầu tư trạm xử lý nước thải ở thượng lưu sông Tô Lịch, thu gom nước thải về Kim Ngưu, Cầu Bây…
Bình luận (0)