Trước hiện tượng cá chết bất thường ở hồ Tây, Văn phòng Bộ Công an cho biết theo chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo bộ này đã phân công các đơn vị liên quan khẩn trương vào cuộc điều tra, làm rõ.
Xả thải 4.000-5.000 m3/ngày
Trong ngày 5-10, tình trạng cá chết ở hồ Tây đã không còn nghiêm trọng do lượng cá chết trong mấy ngày qua đã quá nhiều.
Theo ghi nhận, dọc ven bờ hồ Tây hiện đã có nhiều bơm nước để tăng cường ôxy, làm sạch nước. Đội vệ sinh môi trường của Ban Quản lý hồ Tây thường xuyên kiểm tra các khu vực cá chết. Tuy nhiên, xung quanh các máy sục ôxy thì xác cá chết vẫn rất nhiều. Một người dân chứng kiến cá chết thở dài: “Cá chết như thế này rõ ràng là bất thường, dân rất lo lắng”. Thường ngày, dọc đường Trích Sài luôn túc trực hàng chục tay “câu dạo” thì nay không còn một ai. Không ít hàng quán, đặc biệt là quán cà phê không có khách, “vắng như chùa bà Đanh”.
Nhiều nhà hàng mọc ngay trên hồ TâyẢnh: NGUYỄN QUYẾT
Trong khi đó, ven bờ hồ Tây phía đường Trích Sài, Nguyễn Đình Thi, đường Thanh Niên…, xác cá chết nổi trên mặt nước chưa được thu gom hết, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc khiến người dân phải tránh xa. Bình thường, đường Thanh Niên lúc nào cũng đông người tập trung ngắm hồ thì hôm nay vắng tanh. Các hàng quán bán ở đây cũng phải tạm nghỉ do không còn ai dám ngồi.
Được biết, UBND TP Hà Nội đã ban hành quy định về quản lý hồ Tây từ năm 2009. Theo đó, UBND TP Hà Nội không cho phép kinh doanh dịch vụ nơi công cộng trong phạm vi khu vực quản lý hồ Tây; kinh doanh dịch vụ ăn uống liền kề phạm vi khu vực quản lý hồ Tây phải bảo đảm điều kiện hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh môi trường. Nhưng theo một báo cáo mà phóng viên có được, trong thời gian qua, khu văn hóa ẩm thực Sen Tây Hồ xả nước thải chưa qua xử lý và chưa có bất kỳ thỏa thuận nào hoặc hợp đồng đấu nối nào với đơn vị thoát nước. Khu ẩm thực này rộng nhiều hecta, với các tổ hợp ăn uống, vui chơi giải trí, thu hút hàng ngàn người đến mỗi ngày.
Ngoài khu văn hóa ẩm thực Sen Tây Hồ, tại đường Nguyễn Đình Thi, nằm ven hồ Tây là các nhà hàng nổi phục vụ du khách ăn nhậu, tham quan. Quan sát bằng mắt thường dễ dàng nhận thấy tình trạng vệ sinh môi trường chưa được bảo đảm. Nhiều loại rác thải vẫn xuất hiện vây quanh các nhà hàng này.
Một số liệu được TS Bùi Quang Tề - chuyên gia đầu ngành về bệnh thủy sản, nguyên Trưởng Phòng Sinh học Thực nghiệm thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I - cung cấp khiến nhiều người phải lo ngại: Mỗi ngày hồ Tây phải tiếp nhận 4.000-5.000 m3 nước thải của các nhà hàng, quán ăn và người dân sinh sống ven hồ thải xuống. Lượng nước thải lớn này khiến hàm lượng amoni tăng cao. Việc thiếu ôxy và hàm lượng amoni tăng cao chính là nguyên nhân khiến cá chết.
Còn nhiều tranh luận
PGS-TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên thuộc ĐHQG Hà Nội, cho biết để xác định được nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Tây là rất phức tạp. Tuy nhiên, theo ông Côn, yếu tố được nhiều người nghi ngờ nhất đó là thời tiết. “Mùa thu năm nay rất nóng, đến tháng 10, nhiệt độ vẫn 34-35 độ C. Nhiệt độ cao như vậy nên dựa vào trực quan, nhiều người phỏng đoán là điều kiện thời tiết đã tạo ra sự phát triển không cân đối của hệ sinh thái, cộng thêm các yếu tố ngẫu nhiên khác dẫn đến nước hồ Tây không còn ôxy, gây ra hiện tượng cá chết” - ông Côn nói.
Còn ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, không đồng tình với giả thuyết cá chết hàng loạt do nguyên nhân thời tiết. Thay vào đó, các nhà khoa học và cơ quan chức năng nên chú trọng xem xét, điều tra các yếu tố về môi trường. Theo ông Hải, thời tiết từ đầu năm 2016 đến nay ở miền Bắc, trong đó có TP Hà Nội, đều có hình thái chung là ít nắng nóng, mưa nhiều liên tục, nhiệt độ trung bình đều ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Nếu mưa nhiều thì không thể nói nguồn nước bị ô nhiễm do mưa nhiều được. Cũng loại trừ cả nguyên nhân nắng nóng vì năm 2014-2015 nắng nóng kỷ lục nhưng cá hồ Tây không chết.
Nhận định hiện tượng cá chết hàng loạt ở hồ Tây những ngày qua do nhiều nguyên nhân gộp lại song TS Bùi Quang Tề cho rằng nguyên nhân lớn nhất có thể là do nước trong hồ Tây đã bị ô nhiễm hữu cơ vượt mức cho phép. “Nước bị ô nhiễm hữu cơ có lẽ là do xả thải của con người vào trong hồ Tây. Nhưng vì sao có hiện tượng này, vì sao hồ Tây thiếu ôxy thì phải làm rõ” - ông Tề đặt vấn đề.
Cũng theo TS Tề, các chất ô nhiễm đổ xuống hồ Tây quá nhiều và cần ôxy để phân hủy nên đã gây ra hiện tượng thiếu ôxy. Khi thiếu ôxy thì các chất phân hủy này chuyển hóa thành amoni. “Thông thường nếu nước đủ ôxy thì amoni sẽ được ôxy hóa tiếp sang thành nitrit và nếu đủ ôxy nữa thì từ nitrit sẽ được ôxy hóa tiếp thành nitrat, khi đó nước sẽ không độc. Nhưng nếu trong nước thiếu ôxy sẽ chỉ dừng lại ở amoni mà không chuyển hóa được thành các chất khác, gây ra độc tố khiến cá chết” - TS Tề phân tích.
TS Bùi Quang Tề khuyến cáo việc quan trọng nhất cần làm là phải bịt ngay các cống xả thải vào hồ Tây. Khi chặn đứng được nguồn thải này sẽ giúp cho hồ Tây không phải gánh chịu thêm hàng ngàn mét khối nước, chất thải mỗi ngày; từ đó amoni sẽ giảm đi, tăng cường thêm ôxy.
Cần thời gian mới biết kết quả
Một cán bộ của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết bộ này đã lấy mẫu cá chết ở hồ Tây để kiểm tra, cần một thời gian nhất định mới có thể đưa ra kết quả. “Cá chết vì thiếu ôxy thì đúng rồi nhưng do đâu mà mất ôxy thì phải tìm hiểu kỹ. Nếu do nguyên nhân phá hoại thì càng khó tìm” - vị cán bộ này chia sẻ.
Bình luận (0)