Ngày 13-10, nghi ngờ doanh nghiệp (DN) chế biến hải sản tiếp tục xả thải khiến cá chết hàng loạt, hàng chục hộ nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đồng loạt mang cá chết lên Quốc lộ 51, yêu cầu cơ quan chức năng điều tra, làm rõ nguyên nhân.
Cá nuôi trên sông Chà Và tiếp tục chết nhiều
Cá chết hoài không dứt
Sự việc xảy ra khiến Quốc lộ 51 bị ùn tắc trong nhiều giờ. Ngay sau đó, lực lượng chức năng TP Vũng Tàu, huyện Tân Thành cùng các sở, ngành tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vận động bà con gom xác cá lại và bà con đồng ý. Trưa cùng ngày, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã đến vận động và mời bà con về trụ sở UBND tỉnh làm việc.
Liên quan đến cá chết, một số hộ nuôi cá bức xúc cho biết năm 2015, các nhà máy xả thải chưa bồi thường xong thì đến năm 2016 tình trạng cá chết vẫn diễn ra, nhất là vào mùa mưa. Trong 2 ngày 11 và 12-10, hàng ngàn con cá bớp và cá chim nuôi lồng bè tại sông Chà Và tiếp tục chết; đến đêm 12-10, tình trạng cá chết nhiều hơn, người dân phải mang cá đi đổ ở ven sông. Theo các hộ dân, nguyên nhân khiến cá chết chính là do các DN chế biến hải sản ở xã Tân Hải, huyện Tân Thành hoạt động trở lại và xả thải ra sông Chà Và.
Trước đó, vào tháng 8-2016, tình trạng cá chết cũng diễn ra tại nhiều hộ dân, có hộ gần như trắng tay. Cơ quan chức năng cũng đã tiến hành lấy mẫu đi xét nghiệm. Theo nhận định ban đầu của cơ quan chuyên môn, do mưa nhiều, nguồn nước mưa từ trên bờ đổ dồn xuống làm cho độ mặn của vùng nước giảm đột ngột gây sốc khiến cá bỏ ăn, cộng với các nguồn ô nhiễm khác làm nguồn nước bị thiếu ôxy cục bộ dẫn đến cá tuột nhớt và chết nhanh.
Dân bức xúc, cơ quan chức năng sốt ruột
Tại buổi đối thoại với đại diện các hộ nuôi cá vào trưa cùng ngày, ông Nguyễn Thanh Tịnh cho biết ở vụ việc 33 hộ dân nuôi cá lồng bè kiện các DN chế biến hải sản xả thải ở xã Tân Hải gây thiệt hại cá chết vào năm 2015, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn người dân làm các thủ tục khởi kiện theo đúng pháp luật, lãnh đạo tỉnh cũng đã đôn đốc cơ quan chức năng tiến hành tố tụng theo quy định.
Trước lãnh đạo tỉnh, các hộ nuôi cá một lần nữa khẳng định nguyên nhân cá chết trong những ngày qua là do nguồn nước ô nhiễm từ cống số 6, nơi xả thải của các DN đóng tại xã Tân Hải. Ông Nguyễn Công Biên, hộ nuôi cá thiệt hại nặng nhất, đã đặt 2 câu hỏi với các cơ quan chức năng: “Tại sao năm 2015, UBND tỉnh đã có quyết định cưỡng chế, tháo dỡ những nhà máy vi phạm mà đến nay các nhà máy trên vẫn hoạt động trở lại? Nếu không phải do những DN này gây ra thì cá lồng bè chết hàng loạt trong năm nay là từ đâu?”. Ông Biên đề nghị UBND tỉnh phải có hướng giải quyết, xử lý triệt để không còn xảy ra tình trạng trên.
Cùng nghi ngờ do DN tiếp tục xả thải làm cá chết, ông Lê Văn Thuận lo lắng về những khó khăn mà ông và những hộ nuôi khác đang phải đối mặt bởi nguồn vốn người dân vay để đầu tư nuôi cá lồng bè coi như mất sạch. “Trong đợt cá chết lần này, gia đình tôi thiệt hại 21.000 con cá chim, 3.500 con cá bớp. Lãnh đạo tỉnh, cơ quan chức năng phải có giải pháp để giúp đỡ người dân” - ông Lê Văn Thuận bày tỏ.
Trước lo lắng, bức xúc của người dân, ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết các cơ quan chức năng sẽ tổ chức đoàn đi thực địa và ghi nhận tình hình, đồng thời lấy mẫu cá, mẫu nước để gửi cơ quan chuyên môn phân tích, xác định nguyên nhân nhằm sớm trả lời cho người dân. Theo ông Văn, ước tính ban đầu có khoảng 22 hộ thiệt hại trong đợt này.
Ông Nguyễn Thanh Tịnh cho rằng cần giải quyết vụ việc cá chết một cách triệt để, làm sao để không có trường hợp cá chết về sau. Một trong những giải pháp mà tỉnh đưa ra là xây dựng khu chế biến hải sản tập trung để di dời các cơ sở ở Tân Hải về nơi này. Ông Tịnh cam kết trong quý I/2017 sẽ hoàn thành khu chế biến hải sản tập trung ở Đất Đỏ và đưa các cơ sở Tân Hải về đây.
Chỉ 2 doanh nghiệp bồi thường
Trong năm 2015 xảy ra tình trạng cá chết trên sông Chà Và khiến người dân nuôi cá lao đao, các cơ quan chức năng đã xác định nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động xả thải của 14 DN. Các DN bị buộc bồi thường cho người dân hơn 14 tỉ đồng. Tuy nhiên, các DN không đồng ý chi trả nên người dân đã kiện ra tòa. Cho đến nay, chỉ mới có 2 DN trong số này chấp nhận bồi thường cho người dân hơn 300 triệu đồng.
Bình luận (0)