Một cống thải ra khu vực hồ Tây
Chiều ngày 12-10, ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ (Hà Nội), cho biết quận sẽ thành lập tổ công tác liên ngành tổng kiểm tra hệ thống xả thải ra hồ Tây sau sự cố cá chết hàng loạt.
“Trước mắt chúng tôi sẽ kiểm tra hệ thống các cống xả thải. Sau đó, sẽ tiếp tục kiểm tra các khu vực tiếp theo. Hiện chưa có kế hoạch cụ thể sẽ kiểm tra các nhà hàng nổi tại khu vực hồ Tây”- ông Đỗ Mạnh Tuấn nói
Trước đó, theo UBND quận Tây Hồ, mỗi năm hồ Tây nhận khoảng 10.000 m3 nước thải sinh hoạt, chất lượng nước hồ ô nhiễm với các chỉ số về COD, BOD, phenol… đều vượt ngưỡng, lớp bùn đáy hồ bị nhiễm dầu mỡ và kim loại nặng (Pb, Cu, Hg) cũng vượt giới hạn cho phép nhiều lần.
Nhiều cá chết vây quanh khu cống nước thải
Theo lãnh đạo quận Tây Hồ, hiện hồ Tây có khoảng 30 cống xả thẳng nước thải xuống hồ, trong đó có 7 cống lớn, hơn 20 cống nhỏ như: cống sau Công viên nước Hồ Tây; cống sau nhà hàng Sen Tây Hồ, cống Xuân La (CLB Du thuyền) và cống đầu dốc gần Khách sạn Sheraton…
Được biết, hiện nay Nhà máy xử lí nước thải hồ Tây đầu tư tới 1.000 tỉ đồng do Công ty Phú Điền làm chủ đầu tư theo hình thức BT đang vào giai đoạn 2. Tuy nhiên, theo Công ty Phú Điền (nhà đầu tư hệ thống thu gom nước thải quanh Hồ Tây), đến ngày 3-10 vừa qua vẫn chưa đơn vị nào thực hiện thỏa thuận đấu nối xử lí nước thải với công ty. Vì thế, công ty này đã phải làm văn bản “đi xin” nước thải để xử lí.
Trước đó, từ ngày 1-10, bắt đầu xuất hiện tượng cá chết hàng loạt tại Hồ Tây. Theo thống kê ban đầu, cá chết trên diện tích hơn 500 ha, với tổng trọng lượng cá chết khoảng 200 tấn đã được thu gom, xử lý. Kết quả kiểm tra nhanh với các mẫu nước cho thấy toàn bộ nước mặt Hồ Tây không có ôxy.
Chính phủ sau đó đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam, Bộ Công an phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ của Hà Nội điều tra, làm rõ nguyên nhân cá chết ở hồ Tây.
Trước đó, năm 2010, UBND TP Hà Nội đã đầu tư Nhà máy xử lý nước thải hồ Tây và hệ thống thu gom nước thải với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỉ đồng.
Trong đó giai đoạn 1 (triển khai từ năm 2010-2012) xây trạm xử lý nước thải tại phường Nhật Tân với công suất 15.000 m3/ngày đêm vốn đầu tư hơn 600 tỉ đồng; giai đoạn 2 (triển khai từ năm 2015) xây dựng hệ thống thu gom nước thải trị giá 312 tỉ đồng (do Công ty Phú Điền đầu tư). Đến tháng 9-2016, dự án này đã hoàn thiện và đang tiến hành chạy thử.
Bình luận (0)