xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cà cuống, từ mâm cơm đến chuyện đời

Bài và ảnh: TRẦN CHÁNH NGHĨA

“Tuyệt chiêu” nước mắm cà cuống và những món ăn liên quan đang dần mai một bởi sinh vật lạ kỳ này không còn đất sống. Thế nhưng, có một người đang gầy dựng lại môi trường sống cho cà cuống và biến đó thành cơ hội làm ăn

Những tưởng cà cuống chỉ lặn ngụp trong các ao hồ tự nhiên thì nay đang sinh sôi nảy nở ở một… trang trại. Chủ trang trại, anh Lê Thanh Tùng (37 tuổi), ở ấp Bến Đò 2, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP HCM.

Đặc sản ở… dưới sình

Kể về câu chuyện nuôi cà cuống, anh Tùng chỉ tay về vùng đất mênh mông bị bỏ hoang, cỏ cao lút đầu người từ nhiều năm qua cạnh nhà. “Trước kia nơi đây là đồng ruộng. Từ ngày được quy hoạch làm khu công nghiệp, cả khu vực không ai đoái hoài tới nên nhiều loài sinh vật tìm đến trú ngụ. Tôi tìm cà cuống ở đó” - anh Tùng nói.

Anh Tùng cho biết đất bỏ hoang cả chục năm nên môi trường không bị ô nhiễm. Các loài côn trùng, sinh vật tự nhiên có điều kiện sinh sôi, trong đó có cà cuống. “Chúng tôi đã bỏ ra 4 tháng tìm kiếm, cuối cùng bắt được 5 con trong khu đất hoang của KCN Tân Phú Trung. Khởi nghiệp của tôi từ 5 con cà cuống này” - anh Tùng kể.

Vốn mê côn trùng từ nhỏ nên khởi nghiệp anh đầu tư nuôi dế. Công việc khá thuận lợi, hơn 10 năm qua, thu nhập của gia đình anh dựa vào dế. Vài năm trước, nghe nói về con cà cuống với những món ăn đặc sản từ chúng, anh rất mê. Thế là tìm tòi trên sách vở, lao vào ruộng vườn tìm nuôi loại côn trùng đặc biệt này.

Cà cuống được nuôi trong trang trại của anh Lê Thanh Tùng
Cà cuống được nuôi trong trang trại của anh Lê Thanh Tùng

Theo anh Tùng, cà cuống là loại côn trùng mà đến nay có thể nói, nhiều người chỉ nghe chứ chưa bao giờ được thấy tận mắt. Cà cuống còn được gọi là sâu quế hay đà cuống. Chúng thường sống ở hồ, ao, đầm, ruộng lúa; ban ngày ở dưới nước nhưng ban đêm thì bay lên. Cà cuống rất háu ăn, chúng tấn công nhiều động vật như tôm, tép, nòng nọc và cả cá con, ếch, nhái... Thịt của chúng có thể chế biến các món ăn ngon nhưng giá trị cao nhất là tinh dầu. Tinh dầu này trong vắt, có mùi thơm ngào ngạt. Một số vùng phía Bắc, người dân dùng tinh dầu này chế biến một món nước chấm nức tiếng: nước mắm cà cuống. Trên thực nghiệm y học, tinh dầu cà cuống được dùng với liều thấp như một chất kích thích thần kinh, gây hưng phấn và tăng cường nhẹ khả năng sinh dục.

Tại trang trại của anh Tùng, cà cuống được nuôi trong một hồ xây trồng ken dày lục bình. Một hồ bằng thủy tinh khác anh nuôi mẫu để khách có thể tìm hiểu và anh dùng để thực nghiệm cách nuôi. Mỗi bồn chỉ nuôi được 25 cặp cà cuống bố mẹ.

“Khi càng hiểu nhiều về nó, tôi càng mê. Xem trên sách báo, nhiều nhà khoa học cho rằng việc nuôi cà cuống là điều không thể càng làm cho tôi thêm quyết tâm. Mày mò nghiên cứu, tìm hiểu, tôi thiết kế những ao hồ có đặc điểm giống hệt môi trường thiên nhiên. Từ 5 con cà cuống đầu tiên, tôi thả trong hồ, bỏ cá con vào làm thức ăn cho chúng. Chỉ vài tuần, chúng đẻ trứng và nở ra đến vài trăm con” - anh Tùng chia sẻ.

Khôi phục nước mắm cà cuống

Câu chuyện của tôi và anh bị đứt quãng bởi một nhóm khách từ xa đến tìm mua cà cuống. Họ ở tận Tiền Giang và Bình Phước, muốn ăn cà cuống nhưng trong tự nhiên hầu như chẳng còn. Giá cũng khá, một hộp 20 con cà cuống đông lạnh được mua đến 500.000 đồng.

Anh Tùng cho biết thêm hầu hết nước mắm cà cuống được bán trên thị trường đều là các loại hương tổng hợp.

Cà cuống đông lạnh
Cà cuống đông lạnh

Hiện nay, theo lời anh Tùng, tại cơ sở của anh lúc nào cũng có một lượng cà cuống khoảng 5.000 con. Số cà cuống này được xuất ra theo phương thức cuốn chiếu - nghĩa là lứa này xuất đi, lứa khác lớn lên và lứa sau cùng sinh sản thế vào.

Hơn 2 năm thử nghiệm, anh Tùng khá am hiểu đặc tính của loài côn trùng này. Sau khi nở ra khoảng 32 ngày, cà cuống trưởng thành nhưng cũng phải đến 45 ngày mới đẻ trứng. Trứng cà cuống được đẻ ra bám dính trên những nhánh cây, ngọn lục bình giống như trứng ốc bươu vàng. Từ 7-15 ngày tùy theo nhiệt độ, trứng sẽ nở và rơi xuống nước. Từ đây phải tách đàn nếu không, chúng sẽ là mồi ngon cho các con bố mẹ.

Tiếng lành đồn xa, khách hàng muốn ăn cà cuống đến với anh ngày một đông hơn. Người đến vì hiếu kỳ, muốn ăn thử xem cà cuống thế nào mà được nhiều lời tán tụng đến thế. Nhưng quan trọng nhất là những nông dân như anh, họ đến để nhờ anh nhượng lại con giống và tìm hiểu cách nuôi. Một mình anh không thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ cà cuống ngày một nhiều. Anh đã khuyến khích nhiều người bằng cách nhượng con giống, chỉ cách nuôi và mua lại tất cả thành phẩm. Có như thế, mới cứu được cà cuống khỏi nguy cơ tuyệt chủng và có thể phát triển một loài vật nuôi mới.

Còn trẻ nhưng anh ôm ấp nhiều hoài bão. Anh muốn tìm những nhà chuyên môn trước đây để nhờ họ giúp anh khôi phục lại mặt hàng nước mắm cà cuống đích thực. Thế nhưng đến nay, niềm mong muốn ấy vẫn chưa được toại nguyện.

Chế biến đặc sản ẩm thực

Theo GS Nguyễn Lân Hùng, giảng viên Khoa Sinh học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cà cuống là một loại côn trùng sống dưới nước có tên khoa học Belostoma indica hay Lethocerus indicus, thuộc họ Cryptocerate. Cà cuống có mình dài 7-8 cm, rộng 3 cm, màu nâu xám, có nhiều vạch đen, đầu nhỏ với 2 mắt tròn và to, miệng là một ngòi nhọn hút thức ăn. Ở dưới ngực, gần phía lưng, có 2 ống nhỏ gọi là bọng cà cuống. Mỗi bọng dài 2-3 cm, rộng 2-3 cm, màu trắng, trong chứa một chất thơm, đó là tinh dầu cà cuống. Nhưng chỉ con đực mới có tuyến này phát triển.

Tinh dầu cà cuống là một chất lỏng trong như nước lọc. Để ngoài không khí rất dễ bay hơi do đó dầu cà cuống cần đựng trong lọ nhỏ, nút kín. Tùy theo con to, nhỏ mà tinh dầu có nhiều hay ít. Trung bình một con cho 0,02 ml tinh dầu, 1.000 con đực mới thu được chừng 20 ml. Tinh dầu này có nhiều tác dụng nhưng dân gian dùng để chế biến đặc sản ẩm thực.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo